Một chiếc máy ảnh tốt hay chưa tốt sẽ được bộc lộ khi đưa chúng vào một môi trường tác nghiệp khắc nghiệt. “Khắc nghiệt” ở đây đó là về ánh sáng và các tác nhân bên ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến chiếc máy ảnh của bạn: như độ ẩm, bụi bẩn, nhiệt độ…
Tôi đã đưa chiếc máy ảnh Canon EOS R đến một nơi khắc nghiệt như vậy: Đó là một làng nghề làm gang tại Hải Phòng. Một làng nghề có truyền thống làm nghề cơ khí từ đầu thế kỷ XX.
Trong cái không gian đó, bạn phải đối mặt với khói bụi, với ánh sáng rất tệ, với cái hơi nóng của gang lỏng với nhiệt độ nóng chảy hơn 1000 độ C phả ra xung quanh.
Một công nhân đang rót gang lỏng và các khuôn, đây là công việc đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ cao (EOS R/ RF50mm f/1.2L USM / 1/2000 sec f/1.4 / ISO 2000)
Nhưng ở đó bạn cũng sẽ được gặp những người công nhân thân thiện, nhiệt thành và chăm chỉ. “Điều tự hào nhất của tôi là suốt 20 năm nay tôi không phải ngửa tay xin ai cái gì, tôi có sức khoẻ và tôi làm một công việc lương thiện để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Người ngoài nhìn vào vào thì thấy chúng tôi vất vả, nhưng công việc nào cũng có cái vất vả riêng, không thể so sánh được. Làm nhiều rồi quen, không đi làm thì thấy cuồng chân cuồng tay” – đó là chia sẻ của ông Nguyễn Chiến Khu, một thợ làm gang có thâm niên hơn 20 năm mà tôi nhớ mãi.
Một lò gang đang rực lửa, Thành phần hóa học của gang bao gồm chủ yếu là: sắt hơn 95% theo trọng lượng và các nguyên tố hợp kim chính là carbon và silic.(EOS R / EF 16-35mm f/L III USM / 1/160sec f/2.8 / ISO 2000)Tôi sử dụng chủ yếu chiếc ống kính RF 50f1.2 để tác nghiệp. Khẩu độ luôn được mở lớn nhất F1.2 để đảm bảo được ánh sáng vì như tôi nói phía trên, ánh sáng tại nhà xưởng rất tệ. ISO tôi mặc định là 2000 (tôi ít khi để cao hơn, vì có thể đó là một thói quen), file ảnh mặc định là jpeg. Tôi rất ít khi chụp Raw, bởi với tính chất công việc của một phóng viên ảnh, file Raw khá nặng nề và mất nhiều thời gian xử lý.
Một công nhân đang mài các sản phẩm sau khi được lấy ra từ các khuôn đúc, việc mài các sản phẩm sẽ giúp loại bỏ được các chi tiết thừa trong quá trình đúc gang gây ra (EOS R / RF50mm f/1.2L USM / 1/400 sec f/1.2 / ISO 2000)
Kết thúc viên pin đầu tiên, tôi check shot được 1145 ảnh, kèm theo việc phải thường xuyên live view và kiểm tra lại ảnh trên màn hình LCD trong khi chụp. Con số này có thể cao hơn nếu bạn gập màn hình LCD lại và hạn chế sử dụng tính năng live view trên màn hình cảm ứng. Tôi khá bất ngờ vì con số này, bởi khi giới thiệu Canon EOS R, nhà sản xuất chỉ đưa ra con số 400-500 ảnh.
Khả năng lấy nét của Canon EOS R thực sự ấn tượng trong điều kiện ánh sáng yếu. Nhà sản xuất đưa ra con số -6 EV trong điều kiện ánh sáng tối và tôi chứng thực đây là con số chuẩn xác khi bạn sử dụng với chiếc ống kính RF 50mm f/1.2. Dynamic range (dải tần nhạy sáng) của EOS R tôi không phàn nàn gì cả, những vùng tối giữ được các chi tiết tốt, nó không bị bệt màu hoặc mất chi tiết.
Khuôn mặt của một thợ rót gang trong quá trình làm việc (EOS R / RF50mm f/1.2L USM / 1/3200 sec f/1.4 / ISO 2000)
Về chiếc ống kính 50f1.2, độ nét của nó thực sự tốt. Tôi luôn để F1.2 khi tác nghiệp và rất ít ảnh bị out nét. Ảnh nét và các vùng tối tái tạo tốt. Control ring trên ống kính RF của canon hỗ trợ tôi nhiều trong việc chụp hình. Tôi tuỳ biến Control ring để chỉnh bù trừ sáng, điều này giúp tôi làm chủ được ánh sáng khi chụp ở những điều kiện khác nhau.
Có một chi tiết nhỏ ít người để ý đó là việc bạn có thể tuỳ biến các nút điều chỉnh: lên – xuống – trái – phải trên EOS R thành joystick (vì EOS R đã bỏ joystick). Đối với một người chụp DSLR nhiều năm, nó cho bạn thêm một lựa chọn khi di chuyển các điểm lấy nét đặc biệt khi bạn chụp qua khung ngắm.
Thanh đa chức năng
Tôi là một phóng viên ảnh chứ không phải là một chuyển gia thử máy. Do vậy những cảm nhận của tôi có thể sẽ không thể đầy đủ. Tối ưu hoá một chiếc máy ảnh để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và xuất bản nó, đó là quan điểm của tôi khi thực hiện phóng sự ảnh này. Và có một điều chắc chắn: khi bạn sử dụng nó để tác nghiệp ổn trong một trường khắc nghiệt thì bạn hãy tự tin khi cầm nó để sử dụng trong những điều kiện thuận lợi hơn.
Hầu hết các điểm trước đó đã lấy nét ở chế độ tự động lấy nét, nhưng EOS R cũng cung cấp một tính năng tiện lợi để lấy nét thủ công. Đây sẽ là chức năng Focus Guide, cung cấp chỉ báo trực quan trong thời gian thực về mối quan hệ giữa vị trí của đối tượng và tiêu điểm của ống kính khi sử dụng MF. Như minh họa trong ảnh bên trên, biểu tượng sẽ chuyển sang màu xanh lá khi đối tượng đúng nét, và di chuyển nếu nét quá xa về phía trước hoặc phía sau đối tượng. Với tính năng này, hiện nay có thể lấy nét thủ công mang tính trực quan hơn bao giờ hết.
Nhấp vào đây để tìm hiểu thêm về EOS R
Bạn có thể quan tâm đến:
Phỏng Vấn Các Nhà Phát Triển: Giới Thiệu Máy Ảnh Mirrorless Full-frame Đầu Tiên của Canon, EOS R (Phiên bản tiếng Anh)
Nhận thông tin cập nhật mới nhất về tin tức, thủ thuật và mẹo nhiếp ảnh.
Tham gia Cộng Đồng SNAPSHOT.
Đăng Ký Ngay!