5 Phương Pháp Để Luyện Tập Kỹ Năng Chụp Ảnh Động Vật Hoang Dã
Nhiếp ảnh động vật hoang dã là một thử thách đối với lòng quyết tâm, tính kiên nhẫn và sự may mắn. Cũng không hiếm các nhiếp ảnh gia chụp động vật hoang dã chuyên nghiệp phải tác nghiệp nhiều giờ hay nhiều ngày ở những khu vực hoang dã chỉ để thu được một vài bức hình đáng giá. Nếu bạn quan tâm đến nhiếp ảnh động vật hoang dã nhưng lại thiếu thời gian để thực hiện một chuyến du ngoạn xa, hãy đến vườn thú nơi bạn sinh sống và luyện tập bằng năm thủ thuật sau đây trước khi lên kế hoạch cho hành trình nhiếp ảnh lớn tiếp theo của mình.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 181mm, 1/25 giây, ISO500
Một chú Khỉ sóc đầu trắng đang đứng quan sát trên một cành cây
1. Định khung hình
Định khung hình là một trong những nguyên tắc cơ bản trong bố cục nhiếp ảnh. Tìm hiểu cách định khung hình cho đối tượng của bạn có thể tạo nên khung cảnh và biến bức hình bình thường của bạn trở nên hấp dẫn và sinh động hơn. Trong bức hình dưới đây, chúng tôi tạo ra hậu cảnh với tông màu xanh lá và hơi mờ nhòe bằng cách đặt ống kính máy ảnh đằng sau vài chiếc lá rời lơ lửng. Điều này tạo cho người xem cảm giác rằng nhiếp ảnh gia đang náu mình đằng sau bụi cây để chụp ảnh chú Khỉ nhện chân tay đen. Hãy khám phá các cách định khung hình khác cho đối tượng của bạn trong đồ họa thông tin Cách Định Khung Hình Cho Bức Ảnh Của Bạn.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 200mm, 1/250 giây, ISO1250
Một chú khỉ nhện chân tay đen đang ngủ gà ngủ gật trong một buổi chiều nóng bức
2. Tính toán thời gian
Tính toán thời gian đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiếp ảnh động vật hoang dã. Không giống như trong nhiếp ảnh chân dung, nhiếp ảnh gia không thể dẫn dắt động vật hoang dã làm theo mệnh lệnh của mình. Do vậy cần phải nắm bắt khoảnh khắc ngay khi bạn thấy cơ hội chụp được một bức ảnh tuyệt vời. Hãy rèn luyện cho đôi mắt của bạn có khả năng phát hiện những chuyển động nhất định, hoặc chú ý tới hành vi của con vật sao cho bạn có thể sẵn sàng khi hành động diễn ra.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 184mm, 1/1600 giây, ISO1250
Một mẹ Đười ươi mang theo chú đười ươi con khi chúng đang di chuyển
3. Góc độ
Nếu con vật đang nằm nghỉ ngơi trên mặt đất, bạn phải đảm bảo rằng thân người bạn cũng phải hạ thấp cho ngang bằng với con vật để có thể chụp được một bức ảnh đẹp thu được mặt con vật đó. Tương tự như chụp ảnh thú cưng, góc nhìn sẽ thay đổi khi bạn đặt mình ở vị trí ngang bằng với đối tượng. Hãy thử nghiệm nhiều góc chụp khác nhau – từ trên xuống, nhìn thẳng, từ góc thấp chụp lên phía trên – và bạn sẽ tìm thấy góc chụp phù hợp nhất với mình. Hãy sử dụng màn hình LCD xoay của máy ảnh để chụp những góc khó xử lý, chẳng hạn như các góc rất gần mặt đất hoặc ở quá đầu.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 159mm, 1/100 giây, ISO1600
Một chú kangaroo đang lim dim thư giãn dưới bóng cây
4. Xén ảnh
Xén ảnh là một phương pháp hiệu quả để loại bỏ những yếu tố gây nhiễu trong bức ảnh. Rìa cảnh, tiền cảnh và hậu cảnh lộn xộn có thể khiến người xem không chú ý vào đối tượng của bạn. Bằng cách xén bớt hàng rào hoặc các biển báo trong sở thú, bức hình của bạn trông sẽ hấp dẫn hơn – giống như bức ảnh chụp trong thiên nhiên hoang dã thực sự.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 200mm, 1/1250 giây, ISO1250
Một chú sư tử đực đang chăm chú quan sát đàn ngựa vằn đi ngang qua chuồng của mình
5. Thiết bị
Sở hữu chiếc máy ảnh và ống kính phù hợp có thể giúp bạn thu được những bức ảnh mong muốn. Máy ảnh Canon EOS M6 được trang bị cảm biến 24,2-megapixel APS-C (cho phép bạn xén ảnh thoải mái mà không mất đi chất lượng hình ảnh), bộ xử lý hình ảnh DIGIC 7 và hệ thống Dual Pixel CMOS AF để lấy nét tự động nhanh chóng, cùng với tính năng chụp Live View nhanh (ngắm trực tiếp), nên máy ảnh này vô cùng hoàn hảo để thu được những chuyển động nhanh và bất ngờ. Tìm hiểu thêm về chiếc máy ảnh này trong bài 5 Tính Năng Chính Của máy ảnh EOS M6
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 55mm, 1/50 giây, ISO3200
Chú Vượn cáo đuôi vòng tinh nghịch đang chờ đợi cơ hội để chơi trò đuổi bắt
Ống kính có vai trò vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh, và đối với chụp ảnh động vật hoang dã, chúng tôi khuyên bạn nên dùng ống kính EF-M55-200 f/4.5-6.3 IS STM vì chiếc ống kính này có kích cỡ nhỏ gọn, đồng thời cho phép bạn thu phóng với khoảng cách hợp lý và không phải tiến lại quá gần đối tượng mà vẫn có được một bức ảnh rõ nét. Ống kính này rất hoàn hảo để chụp ảnh động vật hoang dã, bởi nếu bạn tiến lại quá gần đối tượng, con vật có thể bỏ chạy hoặc trong một số trường hợp, con vật cảm thấy bị chọc tức và có thể tấn công bạn. Tìm hiểu thêm về ống kính EF-M55-200 f/4.5-6.3 IS STM trong bài đánh giá này.
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 55mm, 1/1600 giây, ISO1250
Chụp tại tiêu cự 55mm (không phóng to)
Máy ảnh EOS M6, ống kính EF-M 55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, f/6.3, 200mm, 1/1600 giây, ISO1250
Chụp tại tiêu cự 200mm (phóng to 100%)
Nhận thông tin cập nhật mới nhất về tin tức, thủ thuật và mẹo nhiếp ảnh.
Tham gia Cộng Đồng SNAPSHOT.
Đăng Ký Ngay!