Đánh Giá EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM: Một Chiếc Ống Kính Zoom Tele Nhỏ Gọn, Đáng Tin Cậy
Có trọng lượng nhẹ đáng kinh ngạc là 260g, ống kính EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM cũng rất nhỏ để có thể mang theo trong túi áo của bạn. Mặc dù có kích thước nhỏ gọn, ống kính này được trang bị tính năng IS và bao phủ dải độ dài tiêu cự từ 88 đến 320mm ở định dạng 35mm. Trong bài viết sau đây, chúng ta hãy xem xét ống kính này chi tiết hơn. (Người trình bày: Akiyo Ogawa, Yusuke Yuzawa)
Khả năng khắc họa hoàn hảo lý tưởng cho chụp ảnh vật nuôi
Các đối tượng trong ảnh của tôi chủ yếu là vật nuôi, và do đó tôi có thể sử dụng ống kính zoom tele 70-200mm để chụp ảnh. Nhiều người có thể cho rằng ống kính zoom tele không thích hợp để chụp ảnh vật nuôi, nhưng trên thực tế chúng giúp tạo ra những hiệu ứng mong muốn theo nhiều cách.
Một hiệu ứng như thế là hiệu ứng bokeh có thể có được ở độ dài tiêu cự tele. Điều này là đặc biệt quan trọng khi bạn tạo hiệu ứng nhòe hậu cảnh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cho đối tượng trở nên nổi bật—và do đó thể hiện vẻ đáng yêu toàn diện nhất của vật nuôi của bạn. Ống kính zoom tele cũng cho phép bạn chụp ảnh từ xa, để bạn có thể chụp được nét mặt tự nhiên của vật nuôi mà không làm nó xao nhãng.
Do đó, tôi dùng thử ống kính EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM, một chiếc ống kính tele ra mắt năm 2014 và được thiết kế dành riêng cho máy ảnh EOS M series. Mặc dù có kích thước nhỏ gọn, ống kính này mang lại hiệu năng khắc họa hoàn hảo với độ rõ xuất sắc, nhờ vào thiết kế quang học có độ chính xác cao. Thấu kính phi cầu loại bỏ hiện tượng méo trong ảnh, trong khi thấu kính UD giúp khử sắc sai hiệu quả.
EOS M5/ EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM/ FL: 162mm (tương đương 259mm)/ Aperture-priority AE (f/6.3, 1/250 giây, EV+1,0)/ ISO 6400/ WB: Auto
Khi chụp ảnh vật nuôi cùng với một số đồ vật nhỏ, điều quan trọng là phải tránh làm cho đối tượng bị lấn át bởi sự hiện diện của những vật này. Để làm như thế, hãy chừa đủ khoảng cách giữa đối tượng và hậu cảnh và chụp đối tượng trong khi tạo ra hiệu ứng nhòe hậu cảnh. Trong ảnh này, tôi sử dụng một món đồ chơi chọc cho con mèo giơ chân trước.
EOS M5/ EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM/ FL: 200mm (tương đương 320mm)/ Aperture-priority AE (f/6.3, 1/320 giây, EV+1,0)/ ISO 8000/ WB: Manual (4800K)
Tôi dùng một tấm phủ có hoa văn carô đa dụng phủ lên một cái ghế em bé, và chụp ảnh này với sự trợ giúp của một trợ lý, người này tìm cách thu hút sự chú ý của con mèo bằng một món đồ chơi.
EOS M5/ EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM/ FL: 55mm (tương đương 88mm)/ Aperture-priority AE (f/4.5, 1/800 giây, EV+0,3)/ ISO 400/ WB: Auto
Ảnh chụp vật nuôi ở nhà có thể trở nên khá đơn điệu. Tuy nhiên, có thể thêm sự đa dạng vào kỹ thuật của bạn chỉ bằng một chút tinh chỉnh. Tôi chụp ảnh này bằng cách đặt một tấm phủ 1m x 1m có hoa văn hình sao lên sàn nhà. Mặc dù tấm phủ này không lớn lắp, việc chọn một góc cao cho phép tôi có các ngôi sao phủ kín toàn bộ bố cục ngay cả ở độ dài tiêu cự 55mm.
Thủ thuật: Chụp cận cảnh khu vực bạn muốn thể hiện
Ống kính tele cũng rất tiện khi bạn không biết bạn nên xử lý hậu cảnh như thế nào khi lập bố cục ảnh. Trong hai ví dụ bên dưới, cả hai ảnh được chụp dùng một tờ giấy dán tường nền trắng rộng 1m làm hậu cảnh. Khu vực xung quanh tờ giấy dán tường rất tối, và chúng sẽ được chụp lại trong ảnh nếu tôi sử dụng ống kính tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng ống kính tele, tôi có thể lập khung hình sao cho chỉ có khu vực trong chiều rộng 1m của tờ giấy dán tường được chụp lại, nhờ đó tạo ra hậu cảnh sáng.
Ở độ dài tiêu cự 200mm
EOS M5/ EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM/ FL: 200mm (tương đương 320mm)/ Aperture-priority AE (f/6.3, 1/800 giây, EV+1)/ ISO 8000/ WB: Manual
Ảnh cận cảnh khuôn mặt con mèo ở độ dài tiêu cự 200mm. Hiệu ứng bokeh, đặc điểm của ống kính tele, cũng được tạo ra, thêm vẻ mờ mịn cho ảnh.
Ở độ dài tiêu cự 124mm
EOS M5/ EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM/ FL: 124mm (tương đương 198mm)/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/500 giây, EV+1)/ ISO 5000/ WB: Manual
Trong ví dụ này, tôi sử dụng độ dài tiêu cự 124mm để bao gồm một số đồ vật nhỏ đồng thời duy trì sự cân bằng tốt trong bố cục. Một bố cục như thế này đồng thời sẽ cho phép cái khăn quàng thêm vẻ ấm áp cho ảnh.
Sử dụng độ dài tiêu cự tele để tạo ra hiệu ứng bokeh
Ống kính EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM cũng hỗ trợ lấy nét thủ công toàn thời gian (MF), do đó bạn có thể nhanh chóng chuyển từ AF sang MF và tinh chỉnh tiêu điểm một cách dễ dàng. Lợi thế lớn nhất của tính năng này là tôi có thể lấy máy ảnh ra khỏi túi và chụp nhanh ngay cả khi tôi đang di chuyển, và cũng có thể hoán đổi ống kính một cách nhanh chóng.
Bạn cũng có thể sử dụng các ống kính EF với máy ảnh EOS M series bằng cách gắn ngàm chuyển, nhưng nếu đây là ống kính tele đầu tiên của bạn, EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM là một lựa chọn thích hợp. Để có hiệu ứng bokeh đẹp nhất, hãy sử dụng nó ở độ dài tiêu cự dài nhất—đầu 200mm. Với khẩu độ tối đa f/6.3, bạn không cần lo về thiết lập tốc độ cửa trập, nhất là nếu bạn sử dụng ống kính này với EOS M5, có độ nhạy sáng ISO tiêu chuẩn cao đến 25600.
Tôi không nghi ngờ gì về việc đây là một chiếc ống kính zoom tele sẽ giúp cho trải nghiệm nhiếp ảnh của bạn trở nên thú vị hơn. Nếu bạn thường xuyên mang theo máy ảnh, bạn cũng có thể cân nhắc mua loa che nắng (bán riêng) cùng với EF-M55-200mm f/4.5-6.3 IS STM.
Lens Hood ET-54B
Thông số
A: Thấu kính phi cầu
B: Bộ phận IS
Độ dài tiêu cự tương đương 35mm: 88-320mm
Kết cấu ống kính: 17 thấu kính chia thành 11 nhóm
Khoảng cách lấy nét gần nhất: 1m
Độ phóng đại tối đa: 0,21x
Đường kính kính lọc: φ52mm
Kích thước: xấp xỉ φ60,9 × 86,5mm (tối đa)
Trọng lượng: xấp xỉ 260g
Để biết thêm thông tin về cách chụp động vật, hãy tham khảo bài viết:
3 Ý Tưởng Để Chụp Mèo Đáng Yêu
2 Ý Tưởng Để Có Ảnh Chụp Thỏ Đáng Yêu
7 Mẹo Hay Để Chụp Ảnh ở Sở Thú Bằng Máy Ảnh Mirrorless/DSLR
Tôi Có Thể Chụp Động Vật Nhỏ Có Hậu Cảnh Rối Nhưng Đẹp Bằng Cách Nào?
Nhận thông tin cập nhật mới nhất về tin tức nhiếp ảnh, thủ thuật và mẹo bằng cách đăng ký với chúng tôi!
Giới thiệu về tác giả
Một nguyệt san tin rằng thú vui nhiếp ảnh sẽ tăng cao khi người ta tìm hiểu càng nhiều về các chức năng của máy ảnh. Tạp chí này cung cấp thông tin về các máy ảnh và tính năng mới nhất và thường xuyên giới thiệu các kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.
Xuất bản bởi Impress Corporation
Sinh tại Quận Saitama vào năm 1980. Akiyo là một nhiếp ảnh gia chụp vật nuôi, đã có nhiều bằng cấp liên quan đến động vật, bao gồm bằng cấp dành cho nhân viên vệ sinh và huấn luyện chó. Cô hiện nay làm giảng viên trong các lớp nhiếp ảnh, tổng biên tập của một tạp chí về vật nuôi, và giám đốc của một chương trình về vật nuôi.
Sinh tại Tokyo vào năm 1980. Yusuke là nhiếp ảnh gia chụp động vật, chụp trên 500 vật nuôi mỗi tháng. Hiện nay anh giảng dạy về kỹ thuật chụp ảnh vật nuôi và chụp ảnh bìa tạp chí vật nuôi và chụp ảnh in lõm. Anh cũng tham gia viết kịch bản và xuất hiện trong các chương trình về vật nuôi.