Giới thiệu về nhiếp ảnh báo chí
Canon EOS 60D, thấu kính EF35 mm f/2 IS USM, f/5.0, 1/400 giây, 35mm, ISO 160 chụp bởi David Alexis Córdova Morales
Hầu hết chúng ta đều biết rằng nhiếp ảnh báo chí là thể loại ảnh tập trung phản ánh những sự kiện, tin tức. Thế nhưng loại hình nhiếp ảnh này không đơn thuần chỉ là xuất hiện đúng nơi và đúng thời điểm.
Nhiếp ảnh báo chí là gì
Về bản chất, nhiếp ảnh báo chí là quá trình kể lại câu chuyện bằng hình ảnh, sử dụng máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc điển hình của câu chuyện. Nhiếp ảnh báo chí khác biệt so với những thể loại ảnh khác bởi nó phải tuân theo một khuôn khổ chặt chẽ các quy tắc và đạo đức. Cụ thể, những câu chuyện được kể phải có thật, được kể lại một cách khách quan và không bị chi phối bởi cảm xúc cá nhân người chụp. Những bức hình đó đều hướng tới khơi gợi cảm xúc mãnh liệt nơi người xem, ví dụ như những bức ảnh chụp các nạn nhân sống sót sau thảm họa hay những cuộc biểu tình bạo lực. Trong khi báo chí thông thường sử dụng ngôn từ và những hình ảnh hỗ trợ để thuật lại sự kiện thì nhiếp ảnh báo chí lại hoàn toàn đối lập, sử dụng ngôn ngữ hình thể và những biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt để xây dựng câu chuyện, điều mà ngôn từ đơn thuần không thể làm được.
Canon EOS 5D Mark II, ống kính EF100 mm f/2 USM, f/2.2, 1/160 giây, 100 mm, ISO 3200 chụp bởi Cornel Putan
Những tiêu chuẩn để trở thành phóng viên nhiếp ảnh
Làm nhiếp ảnh báo chí không đơn thuần chỉ là dấn thân vào một tình huống nguy hiểm và bấm máy với hi vọng sẽ có một tấm hình đẹp. Phóng viên ảnh thường ghi lại những khoảnh khắc của các sự kiện đang diễn ra ngay trước mắt, điều đó có nghĩa là họ phải luôn sẵn sàng và trang bị đầy đủ ở mọi thời điểm. Nghề này đòi hỏi phải tác nghiệp nhanh chóng và thường xuyên di chuyển, do vậy phóng viên ảnh phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng rằng họ có thể sẽ phải làm việc ở những nơi rất nguy hiểm. Họ cũng cần phải luôn kiên định và dũng cảm nếu muốn có những tấm hình tuyệt vời. Ví dụ, Robert Capa, một phóng viên ảnh chiến trường lừng danh đã phải bỏ mạng vì những vết thương nghiêm trọng ông gặp phải trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Họ cần phải mạnh mẽ bởi không phải ai cũng có khả năng chứng kiến những cảnh tượng đau thương máu chảy hàng ngày.
Canon EOS 550D, thấu kính EF50 mm f/1.8 II, f/2.8, 1/320 giây, 50 mm, ISO 400 chụp bởi Raghu Madanagopal
Khi tác nghiệp, các phóng viên ảnh phải luôn ghi nhớ rằng họ cần phản ánh sự thật thông qua hình ảnh của mình, bởi khán giả sẽ dựa vào đó để hiểu hơn về sự kiện trong bức ảnh. Những tấm hình được chụp hoàn toàn không hề bị tác động bởi cá nhân người chụp ảnh cũng như không bị chỉnh sửa trong khâu xử lý hậu kỳ. Một số người cho rằng sự xuất hiện của bản thân nhiếp ảnh gia cũng chính là tác động rồi, nhưng sự ảnh hưởng này có thể được giảm thiểu nhờ luyện tập và thời gian. Trên thực tế, một số phóng viên ảnh đã đạt đến trình độ có thể ẩn mình vào hậu cảnh và giúp cho mẫu chụp gần như quên mất sự tồn tại của người chụp ảnh.
Canon EOS 60D, ống kính EF35 mm f/2 IS USM, f/5.0, 1/400 giây, 35 mm, ISO 160 chụp bởi David Alexis Córdova Morales
Tại sao họ chọn con đường này?
Hầu hết chúng ta đều không nghĩ đến việc chủ động chọn một công việc mà có thể đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm, vậy tại sao các phóng viên ảnh lại chọn con đường đó và công việc của họ như thế nào? Bên cạnh việc có thể đi khắp nơi trên thế giới và gặp gỡ nhiều người với những hoàn cảnh khác nhau, thì phóng viên nhiếp ảnh là một nghề đáng được tôn vinh, bởi họ đang tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Có thể giáo dục được rất nhiều người, phản ánh những bất công trong xã hội và trở thành một phần của lịch sử - là những điều mà không phải nghề nào cũng có thể làm được.
Mona Teo Thông tin về tác giả Mona Teo là cây bút đến từ Singapore, cô tin rằng không gì có sức mạnh hơn câu từ (ngoại trừ loại cà phê gây buồn ngủ). Là người rất yêu thích môn lặn và du lịch, cô luôn đọc sách bằng chiếc máy Kindle của mình mỗi khi trên máy bay để tìm kiếm nguồn cảm hứng từ thế giới xung quanh. |