Mặc dù hầu hết các nhiếp ảnh gia đều chạy đua với ánh sáng, chụp ảnh đêm là một thử thách mà nhiếp ảnh gia phong cảnh Paul Zizka rất thích. Hãy tìm hiểu tại sao khi ông chia sẻ sở thích chụp ảnh đêm của mình.
Nhiếp ảnh, theo định nghĩa, là viết hoặc vẽ bằng ánh sáng. Do đó khi bị tước mất ánh sáng, chúng ta còn lại gì? Theo Paul Zizka, nhiếp ảnh gia chuyên chụp cảnh núi và phiêu lưu, hoạt động tại Banff, Alberta, thì chúng ta còn lại nhiều điều kỳ thú.
Chân dung tự chụp tại Công Viên Cấp Tỉnh Mt. Robson
"Tôi thích cách ban đêm có thể biến những nơi quen thuộc thành những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tôi cũng thích tất cả những yếu tố kỳ ảo liên quan đến chụp ảnh thiên văn – bắc cực quang, những vì sao, ánh trăng – và tôi luôn thích thú với vẻ đẹp mà máy ảnh cho chúng ta thấy, mà mắt thường không nhìn thấy được," ông giải thích.
Bắc cực quang tại Vermilion Lakes, Công Viên Quốc Gia Banff
Thời gian là mọi thứ khi bạn chụp ảnh đêm. Paul khuyên bạn nên dành ra nhiều thời gian để có kết quả tốt nhất. "Người ta không thể dừng xe lại 5 phút và ra về với một tấm ảnh đẹp. Phơi sáng lâu hơn; lập bố cục và lấy nét mất thời gian vì thiếu ánh sáng khả dụng. Thông thường, cần phải lấy nét chồng nhau."
Nói đến mẹo, Paul lập bố cục ảnh khi cầm tay với ISO cao để tiết kiệm thời gian. Một khi ông có được bố cục khá chính xác, ông đặt chân máy và giảm ISO để có được ảnh dùng được.
Bắc cực quang ở Greenland
Với không gian rộng rãi, Paul cho chúng ta thấy rằng đối tượng ban đêm yêu thích của ông là bắc cực quang. Lợi thế của bầu trời tối đen và địa hình trên cao ở vùng Rockies Canada có nghĩa là bắc cực quang thỉnh thoảng sẽ xuất hiện. Do đó trong khi người ta có thể dự đoán khả năng xuất hiện bằng cách xem xét dữ liệu, bắc cực quang thực ra là một hiện tượng 'đúng lúc, đúng nơi' để chụp.
Ông nói thêm, "Với tôi, chụp bắc cực quang trên trời thôi là không đủ. Tôi thích kết hợp những bố cục sáng tạo, và môi trường vùng núi mang lại nhiều thứ cho tôi sáng tạo."
Mặc dù ông đã đến Ethiopia, Fiji, Nepal, và nhiều nơi xa xôi khác trên thế giới, nơi vẫn làm cho ông thích thú là vùng Rockies của Canada, là nơi mà ông đã quen thuộc vào ban ngày. Đó là vì "chụp ảnh thiên văn cho phép tôi khám phá lại những nơi mình thích và nhìn chúng theo một cách mới".
Hẻm Núi Haffner tại Công Viên Quốc Gia Kootenay
Khi được hỏi về tấm ảnh đêm đáng nhớ nhất của mình, ông chỉ vào một tấm đánh dấu lúc ông bắt đầu những chuyến phiêu lưu chụp ảnh thiên văn. Vài tuần trước khi chụp, ông và nhà leo núi John Price đã đến Hẻm Núi Haffner để trinh sát địa điểm này và mặc dù trời rất nhiều mây, Paul choáng với các khả năng của nó. Mặc dù họ chụp ở điều kiện băng giá trong vài giờ, "những ngón tay tê cóng là rất xứng đáng".
"Tôi thích đặc điểm mà ống kính mắt cá mang lại cảm giác về địa điểm – cảm giác độ sâu của hẻm núi. Mặt trăng vừa khuất nhưng vẫn tỏa ra thứ ánh sáng kỳ diệu, và việc chụp được hai thiên hà (dải Ngân Hà bên trên nhà leo núi, và dải chòm sao Tiên Nữ ở giữa khung hình) làm tăng thêm vẻ siêu thực cho cảnh này," ông nói thêm.
Như bạn đoán, ông mang theo nhiều thiết bị máy ảnh Canon khác nhau để chụp cảnh đêm. Các thiết bị này gồm có Canon EOS 5D Mark III, ống kính EF16-35mm f/2.8L II USM và ống kính ông thích, chiếc EF24mm f/1.4L II USM vì khả năng thu sáng hoàn hảo và chất lượng sắc nét tuyệt vời của nó.
Chuyên chụp ảnh ở các điều kiện khó khăn và những nơi khó đến, Paul Zizka đam mê chụp ảnh các môn thể thao núi và trải nghiệm ở những nơi hẻo lánh, ghi lại tinh thần của những chuyến phiêu lưu và tìm ra những góc chụp khác thường đối với các đối tượng núi non thường gặp. Là một nhiếp ảnh gia phong cảnh, ông rất thích sự thử thách của việc ghi lại vẻ đẹp của tự nhiên vào ban đêm và những đặc điểm có một không hai xuất hiện với bầu trời tối đen – những vì sao, Bắc Cực Quang và những hình bóng ngoạn mục. Ảnh của ông đã được in trong nhiều ấn phẩm khác nhau, bao gồm Maclean’s, NatGeo, Alpinist, Huffington Post, The Guardian, Canadian Geographic, Islands, PhotoLife, Fodors.com và tạp chí explore.