Cách Chụp Ảnh Pháo Hoa Nghệ Thuật Bằng Cách Chụp Cầm Tay!
Khi nói đến chụp ảnh pháo hoa, người ta thường chụp phơi sáng lâu, trong đó máy ảnh có ống kính góc rộng được lắp vào chân máy và có sử dụng chức năng chụp từ xa. Vậy chúng ta sẽ có được dạng kết quả gì khi sử dụng một ống kính tele không có chức năng chụp từ xa trong khi chụp cầm tay? Bạn có thể thấy mình chụp được những tấm ảnh pháo hoa nghệ thuật thú vị. Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích cách chụp được những tấm ảnh như thế. (Biên tập bởi studio9)
Những điểm thiết yếu để chụp pháp hoa nghệ thuật
Bạn có thể tự hỏi mình có thể chụp được những tấm ảnh pháo hoa như thế chính xác là bằng cách nào, nhưng nó dễ hơn bạn tưởng. Một khi bạn đã cài đặt sẵn máy ảnh, nó cũng đơn giản như việc di chuyển máy ảnh theo bất kỳ cách gì bạn muốn vào đúng lúc!
Những thứ bạn sẽ cần
• Một chiếc máy ảnh có khả năng chụp phơi sáng lâu
Với ảnh này, tôi sử dụng chế độ Bulb Mode [B]. Lưu ý rằng trên một số máy ảnh EOS cấp thấp, cài đặt tốc độ cửa trập ở 30 giây trở lên khi ở chế độ Manual ([M]) sẽ tự động chuyển sang chế độ [B]. Hãy nhớ tham khảo tài liệu hướng dẫn của bạn để xác nhận phương pháp cài đặt cần thiết.
Mặc dù có thể sử dụng chế độ [M] để chụp, tôi khuyên dùng chế độ Bulb vì dễ sử dụng. Nếu bạn chụp ở chế độ [M], bạn nên cài đặt tốc độ cửa trập thành 1 đến 3 giây.
• Ống kính tele
Vì ảnh này tập trung vào bản thân pháo hoa, ống kính tele sẽ tiện hơn ống kính góc rộng. Ngay cả một chiếc ống kính tele theo bộ cũng có thể hiệu quả. Ống kính dễ sử dụng sẽ là ống kính có độ dài tiêu cự khoảng từ 100 đến 200mm (tương đương phim 35mm).
Hãy thử sử dụng chân máy 1 chân nếu bạn có sẵn. Điều này là vì bạn sẽ sử dụng ống kính tele trong suốt buổi chụp. Một ý hay là gắn đầu bi khi chụp.
*Tất cả ảnh mẫu trong bài này được chụp bằng ống kính EF70-200mm f/4L IS USM.
Các thiết lập máy ảnh
Bản thân các thiết lập của máy ảnh là giống như các thiết lập để chụp ảnh pháo hoa bình thường.
- Chế độ Bulb
- ISO100, f/11 (f/8 - 16)
- Lấy Nét Thủ Công (MF)
- TẮT Image Stabilization
Quy trình chi tiết về cách chụp pháo hoa
1. Lấy nét ở hậu cảnh (pháo hoa)
Trước tiên, lấy nét ở pháo hoa. Vì máy ảnh được cài đặt thành Lấy Nét Thủ Công (MF), có thể sẽ khó lấy nét ở pháo hoa đã bắn. Nhưng với ảnh này, không cần phải lấy nét thật chính xác ở bất kỳ thứ gì. Tiêu điểm "sắc nét vừa phải" đã là đủ, do đó hãy lấy nét ở bất kỳ thứ gì nổi bật, chẳng hạn như một tòa nhà đằng xa. Bạn không cần phải lấy nét quá chính xác vì sau đó bạn sẽ di chuyển máy ảnh để tạo ra hiệu ứng nhòe.
2. Định khung hình cho pháo hoa
Cài đặt khung hình sao cho pháo hoa nằm vừa trong màn hình khi chúng được bắn lên trời. Quan sát vị trí xuất hiện trên trời của những đợt pháo hoa đầu tiên.
Ban đầu hãy cài đặt máy ảnh đến khoảng cách tele hợp lý để đảm bảo pháo hoa nằm vừa trong màn hình. Khi bạn đã quen, bạn có thể dần tăng độ phóng đại zoom.
Khi đã thực hành thêm, bạn sẽ có thể căn chỉnh máy hiệu quả hơn và chuẩn bị sẵn sàng trước khi pháo hoa được bắn lên. Sẽ dễ chụp được ảnh thành công hơn nếu bạn theo dõi pháo hoa khi chúng được bắn lên trời.
Sử dụng đường đi này để giúp theo dõi pháo hoa dễ hơn.
3. Nhấn và giữ nút chụp
Một khi bạn định khung hình xong cho pháo hoa, hãy nhấn và giữ nút chụp. Khi bạn nhấn và giữ nút, hãy nhấn hết!
Vì máy ảnh đang ở chế độ Bulb, màn trập vẫn mở để phơi sáng lâu trong khi nút chụp được nhấn xuống. Bạn sẽ không thể chụp được ảnh đẹp nếu bạn nhả cửa trập quá sớm. Giữa trong khoảng từ 1 đến 3 giây trong khi nhìn pháo hoa qua khung ngắm hoặc trên màn hình, và sau đó nhả ra.
Nếu bạn di chuyển máy ảnh hoặc điều chỉnh vòng lấy nét vài giây trong đó bạn nhấn giữ nút chụp, bạn có thể có được những tấm ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp!
Các kỹ thuật chụp ảnh nghệ thuật hấp dẫn
Kỹ thuật 1: Di chuyển máy ảnh
Kỹ thuật đơn giản nhất là di chuyển máy ảnh. Khi bạn đã định khung hình cho pháo hoa và nhấn nút chụp, hãy di chuyển máy ảnh theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Việc này là để có tình tạo ra rung máy.
Và, bằng cách di chuyển máy ảnh theo cách bạn muốn, bạn có thể tạo ra một tấm ảnh tuyệt vời như thế này.
Ở đây, tôi nhấn nút chụp vào lúc pháo hoa màu đỏ được bắn lên, và sau đó nhả nút sau khi di chuyển máy ảnh.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 0,8 giây.
-
Nhớ di chuyển máy ảnh một cách nhanh chóng
Điểm quan trọng là di chuyển nhanh máy ảnh. Cách này sẽ làm nổi bật cảm giác sống động ở các đường. Nếu bạn di chuyển quá chậm, các đường thẳng trở nên mất tự nhiên—hoặc pháo hoa có thể đã xuất hiện rồi biến mất.
Ở đây, tôi nhấn giữa nút chụp và chờ với máy ảnh đã sẵn sàng trước khi pháo hoa xuất hiện, chụp ngay giữa pháo hoa.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 3,4 giây.
Tắt Image Stabilisation!
Vì bạn cố tình di chuyển máy ảnh, hãy tắt chức năng Image Stabilisation. Nếu chức năng này vẫn bật, những vệt sáng sẽ xuất hiện không tự nhiên.
Lưu ý rằng hướng chuyển động bị đảo ngược trong ảnh
Khi di chuyển máy ảnh để nhắm, bạn nên nhớ rằng hướng mở ra của các vệt sáng là ngược lại với hướng di chuyển của máy ảnh.
Do đó, nếu bạn di chuyển máy ảnh sang phải, các vệt sáng sẽ mở sang bên trái.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 0,7 giây.
Kỹ thuật 2: Điều chỉnh tiêu điểm
Kỹ thuật này có độ khó cao hơn một bậc. Trong khi nhấn giữ nút chụp, hãy thử xoay vòng lấy nét để làm cho máy ảnh mất nét trong khi phơi sáng. Kỹ thuật này được gọi là làm nhòe nét (lấy nét trong khi phơi sáng).
Để giúp được dễ thực hiện hơn, tôi lắp máy ảnh lên chân máy để giữ yên máy ảnh, trong khi chỉ điều chỉnh tiêu điểm. Ban đầu tiêu điểm sắc nét, nhưng tôi dần dần làm cho máy ảnh mất nét khi pháo hoa tỏa ra, tạo ra hình ảnh pháo hoa dạng nước mắt.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 1,8 giây.
Chân máy là rất quan trọng để giữ cho máy ảnh đứng yên trong khi điều chỉnh tiêu điểm. Nếu bạn muốn chụp ảnh như ảnh bên trên, hãy thử đi!
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 2,2 giây.
Sau khi làm cho máy ảnh mất nét và chụp, hãy lấy nét lại để chuẩn bị cho ảnh tiếp theo.
Kỹ thuật 3: Di chuyển cả máy ảnh lẫn tiêu điểm
Tiếp theo, chúng ta sẽ thử di chuyển cả máy ảnh lẫn tiêu điểm. Kỹ thuật này kết hợp kỹ thuật 1 và 2. Mặc dù ban đầu có vẻ là khó, hiện tượng rung máy là chấp nhận được đối với kỹ thuật này, do đó trên thực tế nó đơn giản hơn kỹ thuật 2, theo đó bạn phải giữ cho máy ảnh đứng yên để chụp.
Ở đây, tôi nhấn giữ nút chụp khi pháo hoa bắt đầu xuất hiện, và trong khi di chuyển máy ảnh chầm chậm, tôi xoay vòng lấy nét để làm mất nét.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 2,9 giây.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 1,3 giây.
—
Bạn cũng có thể chụp ảnh pháo hoa có vòng tròn bokeh
Có một số pháo hoa xuất hiện với hiệu ứng quay tròn khi được bắn lên. Vì mỗi điểm lóe sáng là một nguồn sáng điểm, bạn có thể tạo ra những vòng tròn bokeh bằng cách làm mất nét. Điều này cho phép bạn chụp được pháo hoa lấp lánh như những viên ngọc rải rác khắp trời đêm.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 3,5 giây.
—
Thử làm chậm thời gian lấy nét một khi bạn đã quen
Khi bạn quen với kỹ thuật này hơn, bạn nên thử làm chậm thời gian di chuyển máy ảnh và xoay vòng lấy nét. Ví dụ, bạn có thể thử chỉ di chuyển máy ảnh trong giây đầu tiên, và sau đó xoay vòng lấy nét trong giây thứ hai.
Ở đây, tôi chụp ảnh pháo hoa quay tròn. Ban đầu tôi chụp những đường thẳng đẹp trước khi bắt đầu làm mất nét. Đối với pháo hoa tối hơn, tôi khuyên dùng số f trong khoảng f/8.
Tốc độ cửa trập sử dụng ở đây là 2,8 giây.
---
Trong bài viết này tôi đã giới thiệu một số kỹ thuật để chụp ảnh pháo hoa không theo quy ước.
Nếu bạn còn thời gian sau khi chụp ảnh pháo hoa bình thường, bạn có thể nghịch các dạng ảnh tôi đã trình bày ở đây. Tôi khuyên dùng kỹ thuật này với những ai thấy rằng ảnh của mình không có gì thay đổi.
Hãy thử đi!
studio9
Một trang web nhiếp ảnh được thành lập tại Nhật Bản vào năm 2011. Với khẩu hiệu "Đưa nhiếp ảnh đến gần bạn hơn", trang web này cung cấp nội dung hữu ích cho tất cả những ai thích nhiếp ảnh. Ngoài nội dung web, studio9 còn tổ chức các hội thảo.