Từ một cậu bé tò mò khi xem các bộ phim dưới biển của Jacque Cousteau, đến khi trở thành một chủ cửa hàng thiết bị lặn và nhiếp ảnh gia dưới nước ngày nay, Kriss Sieniawski sống cuộc đời mà anh mơ ước khi còn bé. Anh chia sẻ kinh nghiệm của mình về chụp ảnh dưới nước, những khó khăn và thủ thuật chụp ảnh. (Người chụp: Kriss Sienawski, Nội dung: Natalie Koh)
Sinh ra tại Warsaw, Ba Lan, Kriss Sieniawski xem các bộ phim của nhà thám hiểm kiêm nhà làm phim dưới nước, Jacque Cousteau. "Nó để lại ấn tượng mạnh cho tôi, và làm cho tôi mơ đến việc trở thành một nhà làm phim và nhiếp ảnh gia dưới nước," Kriss nhớ lại.
Giờ đây, giấc mơ của anh đã trở thành hiện thực. Hiện nay hoạt động tại Bali, Indonesia, Kriss điều hành cửa hàng thiết bị lặn và cả ngày lặn dưới biển sâu và luôn mang theo chiếc máy ảnh chụp dưới nước. Đó là thói quen anh có từ những ngày làm giáo viên dạy lặn ở Ai Cập hồi năm 2012.
Có lẽ điều thú vị nhất về những chuyến phiêu lưu dưới nước của anh là nó đòi hỏi phải có một mức chuyên môn nhất định về hai lĩnh vực: chụp ảnh dưới nước và lặn.
"Điều tuyệt đối quan trọng trong chụp ảnh dưới nước là bạn phải lặn giỏi và duy trì sức khỏe thật tốt để cho phép bạn tập trung vào máy ảnh," Kriss nói.
Dĩ nhiên, sau đó là đến thiết bị chụp ảnh của bạn.
"Ban đầu bạn có thể bắt đầu bằng máy ảnh compact có vỏ chống nước. Ngày nay bạn có thể tìm được những chiếc máy ảnh compact thực sự tinh tế trên thị trường, cũng có thể quay video đẹp. Điều rất quan trọng là phải hiểu rõ máy ảnh của bạn," anh nói.
"Đối với các nhiếp ảnh gia vững hơn, tôi khuyên dùng máy ảnh DSLR với đèn gắn ngoài," Kriss đề nghị, anh sử dụng một chiếc máy ảnh DSLR full frame EOS 6D với vỏ chống nước Sea & Sea và hai chiếc đèn chụp dưới nước, cũng là Sea & Sea YS - D1.
Nếu bạn đang tìm kiếm các kỹ thuật cơ bản về chụp ảnh dưới nước, Kriss khuyên bạn học khóa PADI Underwater Digital Photographer. "Nó sẽ trang bị cho bạn kiến thức sơ bộ về ánh sáng dưới nước, định khung hình và lập bố cục," anh nói.
Có nghĩa là, ngay cả khi bạn đã nắm vững các kỹ thuật chụp ảnh, bản thân việc biết cách tiếp cận các sinh vật dưới nước cũng là một nghệ thuật.
Anh chia sẻ: "Tôi phải nói rằng khó khăn lớn nhất là chụp ảnh những con vật lớn như cá đuối manta lớn, cá mập, cá nhồng đàn và rùa."
"Kết quả tốt nhất bạn có thể có được khi sử dụng ống kính góc siêu rộng nhưng có nghĩa là bạn cần phải đến thật gần đối tượng. Động vật rất nhát và chúng dễ dàng sợ bỏ đi. Bạn cần phải tiếp cận từ từ và cẩn thận với bong bóng khí bạn thở ra (chúng tạo ra âm thanh xua động vật đi). Trong nhiều trường hợp bạn cần phải bơi ngược dòng, điều này làm cho việc đồng thời giữ bình tĩnh không phải dễ dàng gì."
Rất dễ mất kiểm soát nhanh chóng và quên đi sự nguy hiểm của chụp ảnh dưới nước, nhưng sự an toàn cá nhân là việc quan trọng nhất cần nghĩ đến khi lặn xuống nước. "Khi bạn chụp ảnh dưới nước bạn cần phải tỉnh táo, đi sát bạn mình và liên tục kiểm tra mức khí, độ sâu và thiết bị."
Kriss đưa ra lời khuyên cuối cùng trước khi chia tay. "Điều tôi có thể nói với các nhiếp ảnh gia nghiệp dư là hãy chụp ảnh hết khả năng. Kinh nghiệm rất quan trọng. Hãy chụp nhiều ảnh, xem nhiều ảnh của các nhiếp ảnh gia khác. Tìm hiểu về bố cục, khung hình và ánh sáng và mua một chiếc máy ảnh Canon DSLR tốt," anh cười kết thúc phỏng vấn.
Hoạt động tại Bali, Indonesia, Kriss Sieniawski sinh ra ở Warsaw, Ba Lan và hiện nay mở một cửa hàng thiết bị lặn tại Bali. Hai niềm đam mê lớn của anh, lặn và nhiếp ảnh, hòa quyện với nhau khi những chuyến lặn của anh kết hợp với chụp ảnh dưới nước, mang lại cho người xem cái nhìn độc đáo về thế giới kỳ thú dưới biển sâu.
https://www.flickr.com/photos/kriss_sieniawski/