Những CHTG về Ống Kính #8: Tôi Nên Lấy Nét Ở Đâu Để Chụp Được Vòng Tròn Bokeh Đẹp?
Chụp vòng tròn bokeh là một trong những kỹ thuật nhiếp ảnh tôi khuyên bạn nên thử Một khi bạn đã thành thạo kỹ thuật tạo ra vòng tròn bokeh, bạn sẽ có thể dễ dàng chụp được những tấm ảnh như thế. Ở đây, tôi sẽ giải thích cách hình thành vòng tròn bokeh cũng như một số thủ thuật để chụp chúng. (Người trình bày: Kazuo Nakahara)
Các nguồn sáng mạnh là bí quyết để tạo ra vòng tròn bokeh
Vòng tròn bokeh hình thành khi bạn tạo ra lượng nhòe lớn đối với nguồn sáng mạnh dạng điểm, và thực ra không khác biệt với bokeh bình thường. Do đó, tất cả những gì bạn cần để chụp được vòng tròn bokeh là tìm ra nguồn sáng mạnh dạng điểm và tạo ra mức nhòe lớn. (Tham khảo bài viết của chúng tôi về 4 thủ thuật dễ thực hiện!)
Ví dụ điển hình về nguồn sáng điểm là đèn đường và đèn trang trí, là ánh sáng nhân tạo nổi bật trong cảnh đêm. Tuy nhiên, ngay cả vào ban ngày, ánh nắng phản chiếu từ mặt nước hoặc lá cây, và bầu trời sáng nhìn xuyên qua kẻ lá cũng có thể là những 'đốm sáng lấp lánh'—những nguồn sáng để tạo ra vòng tròn bokeh. Bạn có thể tìm một địa điểm ngược sáng để chụp ánh nắng phản chiếu dễ dàng hơn, và cũng có thể tìm được những nguồn sáng như thế qua kẻ lá ngay cả vào những ngày nhiều mây. Do đó, nếu bạn bỏ ra một chút thời gian quan sát xung quanh, bạn sẽ thấy rằng có thể tạo ra những vòng tròn bokeh ở bất kỳ điều kiện nào, cho dù là trời nhiều mây, vào ban ngày hay ban đêm.
Một cách hiệu quả để tạo ra hiệu ứng nhòe lớn là sử dụng ống kính một tiêu cự sáng hoặc ống kính tele với máy ảnh full-frame. Ngoài ra, bằng cách để đối tượng chính của bạn cách nguồn tạo ra vòng tròn bokeh càng xa—trong trường hợp này là nguồn sáng điểm—bạn có thể có được vòng tròn bokeh càng lớn. Ngoài ra, nếu bạn chụp với khẩu hẹp, vòng tròn bokeh sẽ nhỏ, hoặc sẽ có dạng không đều vì hình dạng của các lá khẩu, do đó điều quan trọng là phải chụp ở khẩu độ tối đa.
CẢNH 1: Đèn trang trí
EOS 5D Mark III/ FL: 70mm/ Aperture Priority AE (f/4, 1/25 giây, EV+0,3)/ ISO 250/ WB: Daylight
Đèn trang trí là một trong những nguồn sáng điểm dễ nhất dùng để tạo ra vòng tròn bokeh. Tôi cài đặt khẩu độ thành f/4, đến gần đèn trang trí ở tiền cảnh sao cho nó gần chạm vào thấu kính của ống kính, và sau đó làm mất nét để tạo ra vòng tròn bokeh lớn.
CẢNH 2: Tia nắng chiếu qua kẻ lá
EOS 5D Mark III/ FL: 200mm/ Aperture Priority AE (f/2.8, 1/640 giây, EV +0.3)/ ISO 400/ WB: 4,500K
Một khu rừng cũng là nơi có nhiều nguồn sáng điểm. Những vòng tròn bokeh bạn có thể thấy là từ ánh nắng xuyên qua lá cây. Ở đây tôi có thể tạo ra những vòng tròn bokeh bằng cách làm mất nét ở khẩu tối đa f/2.8.
Đây là bài viết chi tiết hơn về cách có được vòng tròn bokeh ở các cảnh tương tự như cảnh này.
CẢNH 3: Phản chiếu trên mặt nước
EOS 5D Mark II/ FL: 80mm/ Aperture Priority AE (f/4, 1/2.000 giây, EV-0,7)/ ISO 200/ WB: Cloudy
Tôi chụp mặt sông lấp lánh lúc hoàng hôn. Tôi tạo ra hiệu ứng nhòe lớn ở hậu cảnh bằng cách lấy nét ở hàng rào ở tiền cảnh. Cách này tạo ra hình ảnh như trong tưởng tượng với vô số vòng tròn bokeh ngang mặt sông.
Cột: "Khẩu tròn" là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến hình dạng bokeh?
Nhiều ống kính mới nhất được thiết kế sao cho các lá khẩu tạo thành hình tròn, được gọi là khẩu tròn. Những lợi thế của nó gồm có duy trì độ tròn của vòng tròn bokeh ngay cả khi bạn khép khẩu, và ít có khả năng làm cho các dạng bokeh khác trông thiếu tự nhiên.
Khi sử dụng các ống kính không có khẩu tròn (ví dụ như nhiều mẫu ống kính cũ hơn), các lá khẩu tạo thành hình đa giác. Khi bạn làm nhòe các nguồn sáng điểm bằng một ống kính như thế, bokeh cũng sẽ có dạng đa giác, làm cho bạn khó tạo ra vòng tròn bokeh hoàn hảo. Bảng thông số của từng ống kính có khả năng sẽ gồm có thông tin về việc nó có khẩu tròn hay không, do đó hãy nhớ kiểm tra trước khi mua.
Khẩu tròn
Hình dạng của các lá khẩu được thiết kế sao cho lỗ khẩu có hình tròn. Hình tròn được duy trì ngay cả khi có khẩu hẹp hơn.
Khẩu không tròn
Các giao điểm của các lá khẩu có dạng góc, do đó lỗ khẩu có hình đa giác.
Kazuo Nakahara
Sinh năm 1982 tại Hokkaido, Nakahara chuyển sang nhiếp ảnh sau khi làm việc tại một công ty sản xuất hóa chất. Anh học nhiếp ảnh tại Viện Thiết Kế Vantan và là giảng viên trong các hội thảo nhiếp ảnh, ngoài việc hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại. Anh cũng là đại diện của trang web thông tin nhiếp ảnh studio9.
Digital Camera Magazine
Một nguyệt san tin rằng thú vui nhiếp ảnh sẽ tăng cao khi người ta tìm hiểu càng nhiều về các chức năng của máy ảnh. Tạp chí này cung cấp thông tin về các máy ảnh và tính năng mới nhất và thường xuyên giới thiệu các kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.
Xuất bản bởi Impress Corporation