Eddie Sung, nhiếp ảnh gia phong cách rock, sẽ chia sẻ với chúng ta về phép màu của nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng cũng như cuộc sống đầy quyến rũ bên trong một công ty của những ngôi sao và nhạc sĩ dòng nhạc rock.
Điều đầu tiên mà chúng tôi cần biết về nghệ thuật chụp ảnh đen trắng là gì?
Với tôi, những bức ảnh đen trắng có thể chạm tới tiềm thức của một người. Đôi khi bạn không thể lý giải vì sao nhưng có những tấm ảnh đen trắng có thể mê hoặc bạn. Nếu bắt được đúng khoảnh khắc (góc chụp, ánh sáng hoàn hảo, chủ thể và những yếu tố khiến người xem ngỡ ngàng), tấm ảnh đó sẽ trở thành biểu tượng.
Tôi luôn nói với những nhiếp ảnh gia mới vào nghề của mình rằng chúng ta như những người thả diều. Hãy để cho những bức ảnh (hay chính là những con diều cao vút) tự nó kể câu chuyện của nó. Bạn không cần phải nói điều gì cả khi mà đôi bàn chân đang vững vàng trên mặt đất. Nếu bạn liên tục thả lên những con diều “mang tính biểu tượng” để người xem phải thán phục, khi đó chính bạn sẽ trở thành câu chuyện mà họ đang xem.
Mặt khác, nhiều bức ảnh đen trắng tôi từng xem chỉ toàn màu xám và tối, không giống như ảnh đen trắng chút nào. Mờ nhạt và nhàm chán.
Ông đã bắt đầu với thể loại nhiếp ảnh này như thế nào?
Đơn giản thôi. Tôi thích nhạc rock và nhiếp ảnh phong cách rock ngay từ khi còn là một chàng trai trẻ. Cho đến giờ tôi vẫn nghe nhạc rock ít nhất 3 tiếng một ngày, và đọc những cuốn sách dạy nhiếp ảnh. Niềm đam mê của tôi chưa bao giờ cạn.
Thực ra, tôi rất lấy làm vinh dự về những gì Debbie Harry và Chris Stein của ban nhạc Blondie từng nói về tôi – “Không chỉ là một quý ông, ông ấy còn có con mắt nghệ thuật tuyệt vời mà chúng tôi đã tận dụng rất nhiều lần cho ban nhạc của mình. Eddie luôn cống hiến hết mình cho âm nhạc và nhiếp ảnh, và ông ấy nên được coi là một tay nhiếp ảnh hạng A.”
Kho tàng máy ảnh để tác nghiệp của ông gồm những gì?
Nút chống ồn cho tai, đầu óc nhạy bén, một chiếc máy ảnh tốt (Canon EOS 5D Mark III) và những ống kính lấy nét nhanh (Canon EF16-35mm f/2.8L II USM, EF24-70mm f/2.8L II USM, EF70-200mm f/2.8L USM, EF15mm f/2.8 Fisheye). Và không đèn flash.
Tại sao phong cách nhiếp ảnh đen trắng của ông lại khác so với những nhiếp ảnh gia cùng phong cách khác?
Những tay nhiếp ảnh gia phương Tây cho rằng tôi chụp ảnh với một phong thái như đang thiền vậy. Có những khoảnh khắc lý tưởng và hoàn hảo như một ánh mắt nghịch ngợm, một ngón tay chỉ thẳng vào ống kính hay một tư thế rực sáng, v.v. Và chính cú nhấn đóng màn trập trong tích tắc để kịp bắt lại khoảnh khắc quyết định đó vào đúng thời điểm sẽ làm nên mọi sự khác biệt.
Tôi thích chụp lại “Chân dung sân khấu” – một hình ảnh gần gũi của những ngôi sao nhạc rock. Người ta thường hỏi studio của tôi ở đâu, tôi luôn đáp lại đó chính là “Sân khấu”. Tôi bắt được “ánh mắt” của những ngôi sao nhạc rock như thể chúng được chụp trong một studio. Tôi không có vinh dự được chụp họ theo ý thích của mình mà chỉ một vài khoảnh khắc đặc biệt. Tôi không chụp cái thần thái của họ bằng cách sắp đặt mà là qua những khoảnh khắc đặc biệt.
Đó chính là những khoảnh khắc mà chiếc máy ảnh tốt và những ống kính lấy nét nhanh của bạn không làm bạn thất vọng. Một nhiếp ảnh gia phải cảm thấy như hòa làm MỘT với máy ảnh của mình. Tất nhiên, anh ta phải là người có CON MẮT nghệ thuật.
Hãy cho biết thêm về những bức ảnh đen trắng yêu thích của ông, câu chuyện phía sau chúng là gì?
Thực sự có quá nhiều để kể hết ra. Tôi sẽ chỉ nêu một vài trong số những bức ảnh ưa thích của mình ra đây.
Tôi nhớ đã nhận được email từ một thành viên trong nhóm Beach Boys hỏi xem tôi có rảnh đến chơi với họ không. Tôi trả lời “Dĩ nhiên rồi, nhưng tôi cũng muốn chụp ảnh nữa.” Họ đáp rằng đó là điều dĩ nhiên. Nói tóm lại, những bức ảnh của tôi cuối cùng đã được chọn làm ảnh bìa album và in trên vỏ CD của họ!
Lúc đó Blondie đang thu âm album “Panic of Girls”, và tôi được mời đến Woodstock chụp ảnh cho họ. Bức ảnh sau này đã được dùng trong các thiết kế cho album của họ (cả CD và đĩa than).
Tôi đã ở phía sau hậu trường cùng với Kitaro khi ông đang kiểm tra lại âm thanh. Thế rồi tôi nhìn thấy một luồng sáng rực rỡ chiếu vào ông ấy nên đã yêu cầu ông nhìn vào ống kính. Ông ấy rất thích tấm ảnh này và đã đưa nó vào album tiếp theo “Thinking of You” của mình.
Slipknot là một trong những concert tuyệt với nhất mà tôi từng được chụp. Khi Joey Jordison mời tôi chụp cho anh ấy, tôi đã biết nó sẽ vô cùng đặc biệt. Bức ảnh đầy tính biểu tượng này đã được đưa vào album Slipknot’s Live 9:0 và được hãnh diện trưng bày tại Hard Rock Café.
Stefanie Sun đã hớn hở làm dấu số ‘50’ về phía tôi. Bức ảnh này được chụp sau hậu trường của concert hoành tráng Sing50. Là một người Singapore, tôi cực kì tự hào về những gì mà đất nước mình đã đạt được trong 5 thập niên ngắn ngủi vừa qua. Tôi cảm thấy bức ảnh này đã bắt được không khí tưng bừng của cả nước lúc ấy.
Tôi kính trọng Jon Bon Jovi vì ông là một ngôi sao nhạc rock đầy cống hiến. Ông ấy luôn nỗ lực hơn nữa vì người hâm mộ. Tôi thích sự gần gũi mà ông ấy dành cho ống kính của tôi chỉ trong một tích tắc nghỉ ngay giữa bài biểu diễn của mình.
Với tôi, Chris Stein (của Blondie) là thầy phù thủy âm nhạc của cả nhóm và cũng là một nhiếp ảnh gia thành công. Tôi từng ghé thăm nhà anh ấy một vài lần, và anh ấy cũng từng đến nhà tôi. Trong tấm ảnh này, Chris đang chơi chiếc guitar mojo của mình trong phòng thu Magic Shop ở thành phố New York. Đây cũng là nơi David Bowie thu âm hai album huyền thoại cuối cùng của mình, The Next Day và Blackstar. Buồn thay, phòng thu này đã bị đóng cửa từ đó. Blondie là ban nhạc lớn cuối cùng từng thu âm tại đó. Tôi đã may mắn và vinh dự được theo dõi ban nhạc huyền thoại này thực hiện album mới trong hai tuần làm việc với họ.
Tôi biết đến Steve Tyler của Aerosmith như một ca sĩ rực rỡ khi lên ảnh. Và anh ta không hề làm tôi thất vọng. Trong bức ảnh này, anh ấy như là Wild Man của Borneo. Cách anh ấy tạo dáng và nhìn thẳng vào ống kính đã khiến tôi lạnh cả sống lưng.
Tôi từng gặp Carlos Santana nhiều lần trong quá khứ. Những câu chuyện về ông đáng viết nên một bài báo khác. Ông ấy thích việc tôi từng chụp cho hầu hết những người bạn chơi guitar dòng nhạc blues của mình - BB King, Eric Clapton, Buddy Guy, v.v. Thường tôi sẽ chụp toàn bộ concert thay vì chỉ 3 bài hát đầu tiên. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt khi Carlos làm hề trước ống kính của tôi.
Ngoài chụp cho những ngôi sao nhạc rock, tôi cũng thích chơi với những người bạn khác, những người theo đuổi niềm đam mê của mình 150%. Tôi xin cảm ơn Lữ đoàn 501 (tổ chức chuyên cosplay Star War) đã tạo dáng để tôi chụp bức ảnh này. Ngay cả những kẻ ác của thiên hànhư Darth Vader cũng cần giải quyết nhu cầu rất đời thường.
Tôi đã có vinh dự được gặp và bắt tay Ngài Lee Kuan Yew’s khi còn là doanh nhân trong nửa đầu đời mình. Lúc này, tôi đang chụp ảnh cho concert Sing 50. Họ đang thực hiện kiểm tra âm thanh thì hình ảnh của Lee Kuan Yew làm dấu “Mọi chuyện rồi sẽ ổn” xuất hiện trên màn hình. Ông ấy chỉ mới mất một vài tháng trước và không khí chung vẫn còn gì đó u sầu.
Khi nhìn thấy bức ảnh này của ông sáng rực nhờ ánh đèn sân khấu Sportshub, tôi biết đây sẽ là một bức ảnh đặc biệt. Tôi đã đóng khung và nhờ một người bạn gửi tấm ảnh này đến con trai ông ấy, anh Lee Ksien Loong.
Công việc này đã đưa ông đến những nơi đâu trong thời gian gần đây?
Nhiếp ảnh đen trắng thực sự là một hành trình đầy phép màu. Tôi vừa trở về từ chuyến đi 2 tuần đến New York. Tôi được mời đến chụp ảnh cho ban nhạc huyền thoại Blondie, họ đang thu âm album mới của mình tại phòng thu trứ danh Madic Shop, cũng chính là nơi David Bowie thu âm hai album cuối cùng - The Next Day và Blackstar.
Những đặc quyền mà một nhiếp ảnh gia rock như ông đã có được là gì?
Những bức ảnh yêu quý của tôi được hãnh diện nằm trên tường Hard Rock Cafes, trên bìa và những thiết kế album (đĩa CD và đĩa than) cũng như trên trang web chính thức của nhiều ngôi sao/ban nhạc rock.
Tôi vinh sự trở thành người châu Á đầu tiên có tác phẩm được trưng bày tại phòng tranh Morrison Hotel nổi tiếng và cũng là người chiến thắng cả 3 giải thưởng cao nhất của Lucie Awards (được coi là giải Oscars trong nhiếp ảnh). Tôi thường xuyên có các tác phẩm đăng lên báo, tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế.
Và dĩ nhiên rồi, tôi còn có cơ hội tiếp xúc và làm việc với những ngôi sao rock nổi tiếng ở phía sau hậu trường, tại nhà của họ hoặc thậm chí còn ở nhà của tôi.
Loại ảnh nào phù hợp nhất với phong cách ảnh đen trắng?
Mọi loại ảnh đều phù hợp với phong cách này. Hãy nhìn những bức ảnh bằng cả trái tim. Cảm nhận chúng – điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tâm trạng. Nếu mọi thứ đều xảy ra đúng chỗ đúng thời điểm, tấm ảnh sẽ trở thành biểu tượng. Tông màu đen trắng khiến cho khoảnh khắc trở nên vĩnh hằng và sâu sắc hơn. Nếu được chụp đúng, nó có thể “đa sắc” hơn cả một bức ảnh màu.
Triết lý nhiếp ảnh của ông là gì?
Triết lý nhiếp ảnh của tôi cũng giống như triết lý sống vậy. Yêu thích những gì bạn làm, đặt ra những mục tiêu cao cho bản thân và làm theo bản năng. Luôn luôn tích cực thì ảnh của bạn mới tỏa ra một thứ năng lượng tích cực được.
Ai là nguồn cảm hứng của ông?
gay từ hồi trẻ, tôi đã đi theo các tác phẩm của Jim Marshall và Barry Feinstein. Tôi đã rất may mắn và vinh dự được làm việc cùng họ trước khi họ mất. Và tôi cũng rất tự hào được trở thành đồng nghiệp của họ khi còn làm việc với phòng trưng bày của khách sạn Morrison. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau hàng giờ về nhiếp ảnh.
Jim Marshall đã đãi tôi bữa tối với món bít-tết và tôi cũng từng ở lại nhà của Barry Feinstein. Trên thực tế, tôi là người cuối cùng (ngoài vợ ông) được nhìn thấy ông trong những phút cuối cùng tại bệnh viện.
Khi nhìn lại hành trình nhiếp ảnh lừng lẫy của mình, đâu là những cột mốc mà ông tự hào nhất?
Tôi là một trong số ít những người có thể tự hào nói rằng thực tế đã vượt xa ngoài mơ ước của tôi. Khi còn trẻ, tôi thường dán mắt vào tạp chí Rolling Stone. Trong buổi triển lãm ảnh cá nhân tại New York, một phóng viên ảnh của Rolling Stone đã ghé qua và mời tôi tới thăm văn phòng của họ. 3 cuốn sách ảnh tôi xuất bản đều được đón nhận và nhờ đó tôi kết bạn đươc với những nhiếp ảnh gia thần tượng thời nhỏ.
Tôi vốn đã là một doanh nhân có tiếng trong giới kinh doanh Singapore khi tôi từ bỏ công việc đó. Còn bây giờ với các tác phẩm nhiếp ảnh rock của mình, tôi lại làm nên tên tuổi trong làng nhiếp ảnh rock thế giới.
Tôi không hề lên bất kì kế hoạch nào mà chỉ làm theo tự nhiên. Tôi gọi đó là “thuận theo tự nhiên”.
Ông có lời khuyên nào dành cho người mới bắt đầu không, những người muốn thử sức với nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng?
Hãy cứ làm đi! Hãy chụp và chụp cho đến khi phong cách cá nhân của bạn định hình. Đừng để người khác nói với bạn họ muốn thấy gì mà hãy chỉ nghe theo trái tim mình mà thôi. Thất bại là tạm thời và chỉ là một bài học. Thất bại trước bản thân mình mới chính là thất bại hoàn toàn. Bạn cần phải trả giá để mài dũa kĩ năng của mình đấy.
Tôi luôn nói với những người trẻ, “ở trường, chúng ta học tập, ra đời, chúng ta học hỏi.” Một người không bao giờ được ngừng học hỏi. Hãy nhìn vào tác phẩm của những nhiếp ảnh gia bậc thầy nhưng hãy chụp ảnh với “đôi mắt” của chính mình vì bạn đang kể câu chuyện của chính mình. Hãy kiên trì theo đuổi hành trình 10.000 giờ luyện tập và tận hưởng nó! Chúc các bạn có những giờ chụp ảnh vui vẻ!
Để xem thêm những bức ảnh phong cách rock của Eddie, mời bạn truy cập www.eddie-sung.com
Eddie Sung Hồ sơ nhiếp ảnh gia Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Eddie Sung làm việc cho nhiều công ty tư vấn khác nhau, nhưng ông biết mình luôn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia phong cách rock. Sau khi bỏ công việc tư vấn tuyển dụng, ông dành hết thời gian cho sở thích của đời mình – chụp ảnh những buổi biểu diễn nhạc rock. Kể từ đó ông đã chụp ảnh cho một số những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trên thế giới và có được vinh dự trở thành nhiếp ảnh gia phong cách rock người châu Á đầu tiên có tác phẩm được trưng bày tại phòng tranh Morrison Hotel, chuyên về nhiếp ảnh nghệ thuật, âm nhạc. |