Kỹ Thuật Sử Dụng Ống Kính Góc Rộng: Lập Bố Cục Ảnh Chân Dung Động ở Tiêu Cự 28mm
Trong một thời gian dài, cách chụp chân dung thông thường nhất là sử dụng ống kính tele tầm trung để tránh làm biến dạng các đặc điểm khuôn mặt và làm mờ những yếu tố gây mất tập trung ở hậu cảnh bằng hiệu ứng bokeh. Mặc dù việc tránh hiện tượng biến dạng khó coi trên khuôn mặt và cơ thể vẫn là rất quan trọng để làm cho đối tượng chân dung của bạn trông đẹp, nhưng còn việc đi ngược lại quy ước và sử dụng một ống kính rộng hơn thì sao? Các kỹ thuật phù hợp có thể làm cho ảnh của bạn trông ấn tượng và sinh động hơn. Sau đây là một số thủ thuật để làm như thế. (Người trình bày Haruka Yamamoto, Digital Camera Magazine; Người Mẫu: Ami Naruse)
Trước khi chúng ta bắt đầu: Chúng ta nên sử dụng ống kính gì?
1. Khoảng 28mm
Để bắt đầu, tôi khuyên bạn nên sử dụng một ống kính có độ dài tiêu cự khoảng 28mm. Bạn muốn có thể kiểm soát hiệu ứng phóng đại phối cảnh góc rộng để nó tạo ấn tượng cho ảnh của bạn mà không làm cho đối tượng của bạn trông lạ lùng. Cách đó dễ thực hiện hơn trên một ống kính góc rộng không quá rộng. 28mm cũng ghi lại đủ môi trường xung quanh để mang đến cho ảnh chân dung của bạn một phong cách đường phố, thú vị để thử. Đối với bài viết này, tôi sử dụng RF28mm f/2.8 STM.
2. Khẩu độ tối đa rộng
Các độ dài tiêu cự ngắn hơn (góc rộng hơn) vốn mang lại độ sâu trường ảnh lớn hơn. Bạn sẽ phải bù đắp điều này bằng một thiết lập khẩu độ rộng hơn (số f thấp hơn) nếu bạn muốn làm nhòe hậu cảnh (bokeh) để làm nổi bật đối tượng của bạn. Tôi khuyên dùng một ống kính có khẩu độ tối đa ít nhất là f/2.8. Có thể khó đạt được đủ hiệu ứng bokeh hậu cảnh nếu bạn đang sử dụng một ống kính zoom tiêu chuẩn với khẩu độ tối đa hẹp hơn (số f cao hơn).
Kỹ thuật #1: Đặt khuôn mặt của đối tượng ở giữa
EOS R8/ RF28mm f/2.8 STM/ FL: 28mm/ Manual exposure (f/2.8, 1/200 giây)/ ISO 160
Hiệu ứng phóng đại phối cảnh sẽ mạnh hơn ở các cạnh của khung hình, do đó, việc đặt khuôn mặt của đối tượng ở giữa sẽ đảm bảo sự biến dạng ở mức tối thiểu đối với các đặc điểm trên khuôn mặt. Bạn có thể thoải mái nghịch với phần không gian còn lại! Bạn sẽ thêm những dạng điểm nhấn và đối tượng phụ gì để cải thiện ảnh? Trong ảnh bên trên, tôi đã sử dụng một chiếc võng nhiều màu sắc ở tiền cảnh để cải thiện phối cảnh.
Thủ thuật bổ sung: Thử nghiệm với các khoảng cách chụp khác nhau. Thử thêm một cái gì đó ở tiền cảnh
Đối tượng càng gần máy ảnh thì phối cảnh càng mạnh.
Kỹ thuật #2: Cận cảnh với sắp xếp vị trí cẩn thận
EOS R8/ RF28mm f/2.8 STM/ FL: 28mm/ Manual exposure (f/2.8, 1/4000 giây)/ ISO 250
Việc để đối tượng lấp đầy khung hình cũng sẽ tạo ra một tấm ảnh có ấn tượng mạnh. Bạn có thể chụp những tấm ảnh cận cảnh như vậy bằng một chiếc ống kính góc rộng—chỉ cần đảm bảo rằng các phần quan trọng của khuôn mặt không nằm ở rìa khung hình, là nơi hiện tượng biến dạng sẽ rõ hơn.
Mắt và môi là một số ví dụ về các đặc điểm trên khuôn mặt mà lý tưởng là không bị biến dạng. Ngược lại, tóc và quần áo thường sẽ không trông thiếu tự nhiên lắm khi bị biến dạng.
Thủ thuật bổ sung: Sử dụng góc sáng để nâng tầm ảnh chụp
Ảnh chụp nghiêng khuôn mặt của người mẫu này được chụp ở điều kiện ngược sáng. Nó tạo ra ánh sáng viền giúp cho tấm ảnh có thêm chiều sâu.
Kỹ thuật #3: Một tấm ảnh hoàn chỉnh trên nền khung cảnh
EOS R8/ RF28mm f/2.8 STM/ FL: 28mm/ Manual exposure (f/2.8, 1/1250 giây)/ ISO 250
Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này ở hai điểm bên trên, nhưng cần nhấn mạnh vì nó là rất quan trọng đối với cách bạn lập bố cục ảnh: trên một ống kính góc rộng, hiện tượng méo phối cảnh trở nên rõ ràng hơn ở các góc của ảnh. Bạn có thể sử dụng đặc điểm này để làm cho các địa điểm trông ấn tượng hơn bằng cách chụp ảnh toàn thân đối tượng từ xa hơn để khung cảnh xung quanh chiếm phần lớn khung hình. Đối tượng của bạn sẽ trông nhỏ hơn và cảm giác về quy mô đó sẽ tạo nên kịch tính—đặc biệt khi chúng được bao quanh bởi khung cảnh thiên nhiên trải dài.
Thủ thuật bổ sung: Đặt người mẫu vào giữa khung để có ấn tượng mạnh nhất
Hiệu ứng phóng đại phối cảnh góc rộng mạnh hơn ở các góc của khung hình, làm cho khung cảnh dường như được mở rộng hơn và trông ấn tượng hơn so với người mẫu ở giữa.
Kỹ thuật #4: Để có đôi chân dài hơn
EOS R8/ RF28mm f/2.8 STM/ FL: 28mm/ Manual exposure (f/2.8, 1/1000 giây)/ ISO 250
Kỹ thuật này giống như một biến thể của Kỹ Thuật #1 và #3. Tạo tư thế cho đối tượng (hoặc nghiêng máy ảnh của bạn) sao cho chân của họ duỗi thẳng, hướng vào một góc của khung hình. Hiệu ứng phóng đại phối cảnh góc rộng sẽ “kéo dài” đôi chân của họ, tạo ra ảo giác đôi chân dài hơn. Cùng hiệu ứng đó làm cho khuôn mặt trông nhỏ hơn khi so sánh. Để có hiệu ứng cánh tay dài hơn, hãy tạo dáng cánh tay bằng cùng kỹ thuật này.
Tôi lập bố cục ảnh sao cho chân của người mẫu duỗi thẳng về phía góc khung hình.
Thận trọng: Theo dõi kết quả và điều chỉnh bố cục theo đó. Kéo dài quá mức có thể làm cho đối tượng của bạn trông mất cân đối và thiếu tự nhiên—trừ phi đó là hiệu ứng bạn muốn!
Xem thêm thủ thuật và cảm hứng để có những tấm chân dung độc đáo trong:
Cách Tạo Chân Dung Toàn Cảnh Góc Rộng
Chân Dung 50mm, Phong Cách Của Tôi: Tạo Ra Hình Ảnh Từ Kỷ Niệm
Cách Chụp Chân Dung Macro Biết Kể Chuyện
2 Kỹ Thuật Tức Thời để Cải Thiện Ảnh Chân Dung Ngoài Trời
Giới thiệu về tác giả
Một nguyệt san tin rằng thú vui nhiếp ảnh sẽ tăng cao khi người ta tìm hiểu càng nhiều về các chức năng của máy ảnh. Tạp chí này cung cấp thông tin về các máy ảnh và tính năng mới nhất và thường xuyên giới thiệu các kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.
Xuất bản bởi Impress Corporation
Sinh tại Tokyo, Yamamoto là một nhiếp ảnh gia tự do, chụp ảnh cho các phương tiện khác nhau gồm có các tạp chí, bìa CD và quảng cáo. Cô cũng viết blog, trên đó cô đăng những tấm ảnh lấy từ loạt ảnh đang thực hiện, “Otome-graphy [Maiden-graphy]”, loạt ảnh này tìm cách xóa bỏ những thành kiến rập khuôn hiện hữu về những phụ nữ trẻ cũng như giải quyết các vấn đề của chính Yamamoto về lão hóa. Bộ sưu tập những ảnh này đã được công bố ở dạng sách vào năm 2018.