EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM: Một Ống Kính Hoàn Hảo Cho Người Mới Sử Dụng
EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM là một ống kính zoom siêu tele nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ có chất lượng hình ảnh tương đương với các ống kính L-series. Chúng ta hãy xem xét hiệu năng của nó trong chụp ảnh chim. (Người trình bày: Gaku Tozuka)
EOS 80D/ EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM/ FL: 300mm (tương đương 480mm)/ Manual exposure (f/5.6, 1/3200 giây)/ ISO 400/ WB: Auto
Ống kính nhỏ gọn, nhẹ và có khả năng di động cao, EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM
Ảnh chim ghi lại vẻ đẹp tự nhiên của chim trời. Nếu bạn mới chụp thể loại này, bạn sẽ có khả năng muốn bắt đầu bằng cách trước tiên tìm chim trời cỡ lớn hoặc nhỏ trong công viên ở những khu vực đô thị, ít có khả năng chúng sợ con người đến gần. Để chụp, một ống kính loại 300mm sẽ là một lựa chọn phù hợp, và EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM hoàn toàn có khả năng thực hiện công việc này. Chỉ nặng 710g, người dùng sẽ có thể sử dụng ống kính này để chụp ảnh cầm tay một cách tương đối dễ dàng.
Là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp chim, tôi thường sử dụng ống kính một tiêu cự siêu tele, nặng trên 3kg. Tuy nhiên, sau khi dùng thử EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM, tôi ngạc nhiên với chất lượng hình ảnh nó mang lại. Khả năng khắc họa những chi tiết như lông chim có chất lượng tương đương với ống kính L-series tôi luôn sử dụng.
Tôi thấy ống kính zoom này là cực kỳ hữu dụng vì có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và khả năng linh hoạt cao khi lập bố cục. Ngoài việc chụp cận cảnh, tôi cũng có thể chụp ảnh dạng phong cảnh với chim xuất hiện ở kích thước nhỏ ở một vị trí cách xa máy ảnh, một cách đơn giản bằng cách điều chỉnh vòng zoom. Nhưng điểm tôi thích về ống kính này là trọng lượng nhẹ của nó, cho phép chụp nhiều khi cầm tay. Kiểu chụp này làm cho ảnh có xu hướng dễ bị nhòe do rung máy, điều này, không cần phải nói, là không chấp nhận được đối với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kết quả mà ống kính EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM mang lại là hoàn hảo nhờ vào tính năng IS mạnh mẽ giúp giảm thiểu rung máy một cách hiệu quả.
Chim là những đối tượng có những chuyển động bất ngờ. Vì lý do này, một ống kính hỗ trợ AF tốc độ cao là không thể thiếu. Vấn đề này cũng được giải quyết trên ống kính EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM bằng cách sử dụng công nghệ Nano USM. Với AF tốc độ cao, tôi có thể chụp lại mọi khoảnh khắc quyết định.
Đối với những đối tượng khó hơn khi chụp ảnh chim, chẳng hạn như những loài hiếm đậu trên một cành cây ở xa hoặc chim săn mồi dễ bị đánh động, sẽ cần phải có một ống kính siêu tele. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bắt đầu với chim trời trong khu vực xung quanh bạn chẳng hạn như công viên, ống kính này là lựa chọn lý tưởng khi cân nhắc các yếu tố như chất lượng hình ảnh, trọng lượng và giá cả.
EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM
Kết cấu ống kính: 17 thấu kính trong 12 nhóm
Khoảng cách chụp tối thiểu: 1,2m
Độ phóng đại tối đa: 0,25X
Đường kính kính lọc: φ67mm
Kích thước: xấp xỉ φ80×145,5mm
Trọng lượng: xấp xỉ 710g
Có đặc điểm là kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và chất lượng hình ảnh cao, ống kính zoom tele này có thể được sử dụng với máy ảnh full-frame. Nó được trang bị công nghệ Nano USM, cho phép thực hiện AF tốc độ cao khi chụp ảnh tĩnh cũng như AF không ồn và mượt mà khi quay phim. Khi sử dụng với máy ảnh DSLR định dạng APS-C chẳng hạn như EOS 77D và EOS 800D, ống kính này cung cấp một góc xem tương đương dải tiêu cự từ 112 đến 480mm.
Ở bên dưới, tôi chia sẻ thêm về cảm nhận của mình về những ưu điểm của ống kính này.
1. Chất lượng hình ảnh cao trong toàn bộ dải zoom với mức nhòe màu tối thiểu
EOS 80D/ EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM/ FL: 300mm (tương đương 480mm)/ Manual exposure (f/5.6, 1/3200 giây)/ ISO 400/ WB: Auto
Phóng Lớn 100%
Đối tượng của tôi là một con sếu cổ trắng đang bay trên trời. Ảnh có chất lượng hình ảnh rất đáng kinh ngạc, có thể dễ dàng nhầm chúng với ảnh chụp bằng một ống kính L-series. Điều tôi thấy rất đáng kinh ngạc là khả năng nó tái tạo chi tiết vùng da màu đỏ quanh mắt.
2. Màu sắc được tái tạo với độ tương phản cao với dải tông màu phong phú
EOS 80D/ EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM/ FL: 300mm (tương đương 480mm)/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/320 giây, EV-1)/ ISO 800/ WB: Auto
Nhưng một đặc điểm hấp dẫn khác của ống kính này là sự khắc họa độ tương phản cao mà nó tạo ra. Trong ví dụ này, những màu sắc đẹp của cây lá được tái tạo trung thực với độ tương phản cân bằng tốt, để lại ấn tượng dễ chịu cho người xem.
3. Tính năng IS đáng tin cậy cho phép chụp cầm tay ở đầu tele 300mm
EOS 80D/ EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM/ FL: 300mm (tương đương 480mm)/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/200 giây, EV-0,7)/ ISO 800/ WB: Auto
Khi sử dụng ống kính này với một máy ảnh DSLR định dạng APS-C chẳng hạn như EOS 80D, góc xem tương đương với độ dài tiêu cự tối đa 480mm, do đó có thể duy trì khoảng cách vừa phải so với đối tượng để tránh đánh động nó. Mặc dù có môi trường xung quanh tối, kết quả rất sắc nét ngay cả ở tốc độ cửa trập 1/200 giây, nhờ vào tính năng IS mạnh mẽ.
4. Hoạt động tốt ở điều kiện ngược sáng, cho phép bao gồm nguồn sáng trong khung hình
EOS 80D/ EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM/ FL: 155mm (tương đương 248mm)/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/2000 giây)/ ISO 400/ WB: Auto
Ở đây, tôi cố chụp cả mặt trời đang mọc và đàn sếu mào trên trời. Mặc dù là tình huống ngược sáng hoàn toàn với mặt trời được đưa vào khung hình, không nhận thấy có hiện tượng lóa hay bóng ma. Sương sớm cũng được tái tạo tự nhiên.
Ý kiến của Gaku Tozuka
A: Chất lượng hình ảnh
B: Tốc độ AF
C: Tính năng IS
D: Thiết kế
E: Giá cả
Tôi thường chỉ sử dụng ống kính L-series. Thực ra, tất cả các ống kính tôi sở hữu đều là ống kính L-series. Điều này là vì là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cần phải đảm bảo rằng chất lượng ảnh của tôi được nhất quán—đây là điều tạo nên sự khác biệt giữa ảnh tôi có thể sử dụng và ảnh tôi không thể sử dụng. Một ống kính có thể có trọng lượng nhẹ và có giá hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ tạo ra ảnh có chất lượng cao bất kể cảnh chụp là gì.
Tuy nhiên, ống kính EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM thực sự làm tôi ngạc nhiên. Khi tôi xem những tấm ảnh được chụp bằng ống kính này, tôi tưởng chúng được tạo ra bằng một ống kính L-series. Không chỉ có thế, kích thước nhỏ gọn và trọng lượng tương đối nhẹ là một lợi thế khi chụp cầm tay trong thời gian dài. Một điểm đáng chú ý khác là tính năng IS cải tiến, cho phép tôi chụp mà không phải lo rung máy. Tốc độ và độ chính xác AF đủ tốt để xử lý những chuyển động bất ngờ của chim, và những tấm ảnh chụp chim đang bay trên trời cũng đạt yêu cầu.
Từ những điểm trên, tôi chắc rằng ống kính EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM có thể cung cấp sự hỗ trợ đáng an tâm để chụp ảnh trong đó có thể là bất tiện khi mang theo quá nhiều thiết bị chụp, chẳng hạn như trong các chuyến đi chụp ảnh trên núi hoặc ngoài đảo. Ngoài ra, khi cân nhắc giá cả hợp lý, tôi sẽ khuyên dùng ống kính này như ống kính đầu tiên dành cho người mới chụp ảnh chim.
Bạn có thể quan tâm đến: Đánh Giá Ống Kính Zoom Tele EF70-300mm f/4-5.6 IS II USM
Để biết thêm thông tin về chụp ảnh chim, hãy tham khảo các bài viết sau đây:
EOS-1D X Mark II Đánh Giá Thực Tế Phần 1: Độ Chính Xác Lấy Nét và Hiệu Năng Theo Dõi AF Hoàn Hảo
EOS-1D X Mark II Đánh Giá Thực Tế Phần 2: Dual Pixel CMOS AF-Lấy Nét Hoàn Hảo Ngay Cả Ở Cảnh Tối
Nhận thông tin cập nhật mới nhất về tin tức, thủ thuật và mẹo nhiếp ảnh.
Tham gia Cộng Đồng SNAPSHOT.
Đăng Ký Ngay!
Giới thiệu về tác giả
Sinh năm 1966 tại Aichi, Tozuka đã có sở thích nhiếp ảnh khi học năm thứ ba trung học, và bắt đầu chụp thiên nhiên và phong cảnh cũng như động vật hoang dã. Ở tuổi 20, ông bị hấp dẫn bởi chụp ảnh chim muông sau khi vô tình chụp một chú chim gõ kiến trong ảnh. Ông đã công bố lượng lớn tác phẩm trên các phương tiện như tạp chí, các bảng tin, sách, lịch và các chương trình quảng cáo trên TV.