f/2.8: Rất phù hợp để Chụp Nét Mặt
Mặt người có ba chiều. Khi chụp chân dung cận cảnh ở một góc, nếu sử dụng khẩu độ quá lớn, những phần quan trọng của khuôn mặt có thể nằm ngoài độ sâu trường ảnh nông, làm cho nét mặt trở nên không rõ. Tìm hiểu lý do tại sao nhiều nhiếp ảnh gia khuyên dùng f/2.8 như quy tắc căn bản trong tình huống này. (Người trình bày: Teppei Kohno)
Quan sát hiệu ứng bokeh khi bạn chụp ảnh chân dung cận cảnh từ một góc!
Chụp ảnh chân dung dùng khẩu độ tối đa trên ống kính có thể là thú vị, nhất là khi bạn sở hữu một ống nhanh có khẩu độ tối đa rất rộng (chẳng hạn như f/1.8 trở lên). Thật tuyệt vời khi tạo ra một số hiệu ứng bokeh hậu cảnh mờ mịn làm cho đối tượng của bạn nổi bật nhiều hơn, ngay cả khi có hậu cảnh rối.
Tuy nhiên, bạn có biết rằng trong một số tình huống chụp, việc sử dụng khẩu độ tối đa thường có thể làm giảm ấn tượng của chân dung?
Một tình huống như thế là khi bạn chụp ảnh bán thân và đối tượng của bạn ngoảnh mặt về phía máy ảnh theo một góc.
Tại sao lại thế?
Khẩu độ rộng hơn ảnh hưởng thế nào đến ảnh chân dung cận cảnh
Ở khẩu độ lớn hơn, độ sâu trường ảnh nông hơn.
Khuôn mặt của đối tượng nằm chéo so với máy ảnh sẽ tạo ra độ sâu. Điều này có nghĩa là ở thiết lập khẩu độ càng lớn, có càng nhiều phần của khuôn mặt nằm bên ngoài độ sâu trường ảnh nông và bị mất nét. Điều này có thể làm cho khó thấy rõ nét mặt của đối tượng.
Bạn sẽ muốn sử dụng khẩu độ:
- Đủ hẹp để đảm bảo có nhiều nét mặt của đối tượng hơn được đúng nét
- Đủ rộng để tạo ra hiệu ứng bokeh hậu cảnh rõ.
Trong tình huống này, một quy tắc hữu ích cần thử là f/2.8. Điều này mang lại cho bạn một khu vực đúng nét đến tận mũi, miệng và mắt, là những vị trí cách xa máy ảnh hơn, sẽ đủ để chụp nét mặt với chi tiết sắc nét.
Chụp ở f/2.8
FL: 85mm/ f/2.8/ 1/25 giây/ ISO 400
Mắt, mũi và miệng đều đúng nét. Nét mặt rõ hơn.
Chụp ở f/1.2
FL: 85mm/ f/1.2/ 1/125 giây/ ISO 400
Ảnh này có vẻ ít sắc nét hơn, và điều này được thấy rất rõ ở con mắt phía xa và đôi môi. Điều này làm cho nét mặt có vẻ khác biệt.
Chi tiết nhỏ hơn: Sử dụng f/2.8 một cách hiệu quả
Cảnh 1: Nếu ảnh của bạn bị mất chi tiết màu trắng…
Ở các cảnh đủ sáng chẳng hạn như ngoài trời với ánh sáng ban ngày chan hòa, f/2.8 có thể cho phép quá nhiều ánh sáng đi vào ống kính, dẫn đến dư sáng. Thử chụp ở một chỗ có nhiều bóng râm hơn, hoặc sử dụng một tốc độ cửa trập cao hơn. Nếu bạn cần sử dụng một tốc độ cửa trập chậm hơn cho mục đích sáng tạo, bạn có thể muốn gắn kính lọc ND vào ống kính để hạn chế lượng ánh sáng đi vào nó.
Bạn muốn cải thiện ảnh? Thử sử dụng đèn flash ngoài và kỹ thuật đồng bộ tốc độ cao. Tìm hiểu cách thực hiện:
Tôi Có Thể Chụp Ảnh Chân Dung Có Bokeh Hậu Cảnh Ở Điều Kiện Ngược Sáng Bằng Cách Nào?
Cảnh 2: Nếu bạn muốn có hiệu ứng bokeh rõ hơn…
Sau khi xem lại ảnh, bếu bạn quyết định cần hiệu ứng bokeh rõ hơn, hãy thử chụp ở số f nhỏ hơn chẳng hạn như f/2.5 hoặc thậm chí f/2. Việc này làm giảm khu vực đúng nét của ảnh (có nghĩa là có độ sâu trường ảnh nông hơn). Tuy nhiên, việc này có rủi ro là ngay cả sai nét nhỏ nhất cũng làm cho ảnh hoàn toàn bị mất nét. Đảm bảo cầm máy ảnh ổn định và chắc chắn. Để tránh dư sáng, hãy thực hiện những thay đổi cần thiết đối với tốc độ cửa trập và/hoặc độ nhạy sáng ISO.
Kỹ thuật bổ sung: Lấy nét ở con mắt phía gần
Khi đối tượng của bạn hướng về phía máy ảnh ở một góc, hãy nhớ lấy nét ở con mắt phía gần. Nếu bạn làm như thế, nét mặt sẽ đẹp trong ảnh có được, mặc dù con mắt phía xa hơi nhòe một chút.
Thủ thuật: Nếu máy ảnh của bạn có tính năng Eye Detection AF, đảm bảo đã bật tính năng đó. Nó tự động phát hiện và lấy nét ở con mắt gần máy ảnh hơn, giúp bạn chụp được ảnh nhanh hơn.
Lấy nét ở con mắt phía gần
FL: 50mm/ f/1.8/ 1/125 giây/ ISO 250
Ảnh tổng thể có vẻ đúng nét và sinh động ngay cả khi hậu cảnh nhòe một chút.
Lấy nét ở con mắt phía xa
FL: 50mm/ f/1.8/ 1/125 giây/ ISO 250
Hiệu ứng nhòe ở vùng phía trước xuất hiện rõ, và làm cho toàn bộ ảnh có vẻ không sắc nét.
---
Bạn không chắc thay đổi thiết lập khẩu độ như thế nào? Nhấp vào đây để biết các hướng dẫn từng bước
---
f/2.8 là một trong những thiết lập khẩu độ thường được các nhiếp ảnh gia chụp chân dung sử dụng. Tìm hiểu thêm về 2 thiết lập khác trong:
Chụp Ảnh Chân Dung: 3 Thiết Lập Khẩu Độ Các Nhiếp Ảnh Gia Chuyên Nghiệp Ưa Dùng
Đi du lịch, hoặc chụp ai đó cả ngày? Sau đây là 5 ý tưởng bạn có thể thử. Đối với hầu hết ý tưởng đó, bạn chỉ cần một ống kính theo bộ!
5 Kỹ Thuật Chụp Ảnh Chân Dung Để Chụp Cả Ngày
Nhận thông tin cập nhật mới nhất về tin tức, thủ thuật và mẹo nhiếp ảnh.
Tham gia Cộng Đồng SNAPSHOT.
Đăng Ký Ngay!Giới thiệu về tác giả
Sinh năm 1976 ở Tokyo, Kohno tốt nghiệp với bằng Công Tác Xã Hội, Khoa Xã Hội Học, Đại Học Meiji Gakuin, và học việc với nhiếp ảnh gia Masato Terauchi. Ông đóng góp cho số đầu tiên của tạp chí nhiếp ảnh PHaT PHOTO và trở thành nhiếp ảnh gia độc lập sau đó, vào năm 2003. Là tác giả của nhiều cuốn sách, Kohno không chỉ chụp mọi dạng ảnh thương mại, mà còn viết rất nhiều cho các tạp chí máy ảnh và các tạp chí khác.