Nhiếp ảnh gia thiên văn Mark Gee vẫn luôn bị mê hoặc bởi vẻ bí ẩn của bầu trời đêm, ngay cả từ khi còn nhỏ. Sinh sống ở New Zealand, đất nước của những khoảng trời tối đen nhất trên trái đất, với Mark Gee, vũ trụ của anh chính là những dải thiên hà này.
EOS 6D, EF24-70mm f/2.8L USM, f/2.8, 25mm, 30.0giây, ISO6400
Thung lũng Tasman thuộc Công Viên Quốc gia Aoraki/ Núi Cook, New Zealand
Mark cho biết: “Hành trình trong thế giới nhiếp ảnh thiên văn của tôi cho đến nay chứa đầy những điều khó ai có thể tin được. Đó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tìm hiểu về bản thân và kĩ năng của mình, cũng như về bầu trời đêm trên cao, nó cũng là một trong những thể loại nhiếp ảnh dễ khiến người ta nản lòng nhất vì có rất nhiều trở ngại phải vượt qua để có được những tấm ảnh hoàn hảo.” Các nhiếp ảnh thiên văn thường dành hàng giờ một mình dưới bầu trời đầy sao, mạo hiểm tìm đến các địa điểm tối tăm nhất và xa xôi nhất mà họ có thể tìm thấy, thường đó là những khu vực có ít nguồn ánh sáng pha tạp nhất. Anh cho hay: "New Zealand là nơi tuyệt vời để tìm những địa điểm như vậy, và chúng tôi thậm chí còn có Khu Bảo Tồn Trời Đêm Quốc Tế Aoraki Mackenzie ở South Island,” anh nói thêm: "khu bảo tồn này được đánh giá rất cao về chất lượng bầu trời gần như không bị lẫn ánh sáng trong khu vực.”
EOS 6D, EF14mm f/2.8L II USM, f/4.0, 14mm, 30.0giây, ISO3200
Nhà thờ Good Shepherd bên bờ hồ Tekapo ở New Zealand
Ngoài việc chọn vị trí, nắm rõ thời điểm chụp cũng quan trọng không kém. “Cách hai tuần trước và sau chu kì trăng là thời điểm tối nhất để chụp ảnh thiên văn. Nếu có trăng trên trời, ánh sáng của nó sẽ xóa đi nhiều chi tiết khỏi bức ảnh, đặc biệt là những đám mây mù và chi tiết của Dải Ngân Hà,” Mark chia sẻ. Mùa của Dải Ngân Hà ở nam bán cầu – thời điểm hoàn hảo để chụp Tâm Thiên Hà – kéo dài từ giữa tháng Hai đến giữa tháng Mười Một.
Có nhiều điều mà một nhiếp ảnh thiên văn cần nhớ để có được một bức ảnh hoàn hảo. Phơi sáng dài nghĩa là sử dụng đóng màn trập bằng dây cáp hoặc bộ đếm thời gian được tích hợp trong máy ảnh để giảm thiểu độ rung không mong muốn. "Chụp với mọi thông số ở chế độ manual (thủ công) - bao gồm lấy nét thủ công," Mark nói, "sử dụng chế độ live view (xem trực tiếp) khi hướng ống kính vào ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và phóng to chế độ live view trên màn hình LCD phía sau máy ảnh của bạn lớn nhất có thể. Xoay vòng lấy nét cho đến khi ngôi sao hiện ra sắc nét nhất, và khi đó bạn đã thiết lập được điểm lấy nét. "
EOS 5D Mark III, EF14mm f/2.8L II USM, f/2.8, 14mm, 30.0giây, ISO3200
Hải đăng ở Vịnh Palliser ở Đảo phía Bắc, New Zealand khi Dải Ngân Hà treo lơ lửng phía trên nó.
Mặc dù Mark chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ Vật thể bay không xác định UFO nào trong cuộc phiêu lưu đêm của mình (một câu hỏi ông đã được hỏi rất nhiều lần), anh đã từng bắt gặp một chú hải cẩu lì lợm không chịu rời đi, bị những thợ săn bắn trúng, và bối rối trước cảnh giao phối của những chú chim cánh cụt có tiếng kêu rít nghe hung bạo hơn người ta tưởng tượng. Mark bị cuốn hút bởi tất cả những thứ thuộc về nhiếp ảnh thiên văn, nhưng thứ khiến tâm trí anh choáng ngợp nhất vẫn luôn là Dải Ngân Hà. "Tâm sáng thiên hà của Dải Ngân Hà thực ra cách Trái Đất khoảng 27.000 năm ánh sáng. Điều này có nghĩa là ánh sáng mà bạn đang chụp từ Dải Ngân Hà trên máy ảnh của bạn thực sự đã được phát đi từ lõi của nó từ thời kỳ đồ đá muộn trên trái đất ", anh thốt lên.
EOS 6D, EF24-70mm f/2.8L USM, f/3.2, 24mm, 30.0giây, ISO3200
Kết nối Vũ trụ: Một chuyến đi ngắn đến Đảo phía Nam của New Zealand với con trai của tôi
Một ngày trong cuộc đời của Mark diễn ra như thế nào? Để có được một bức ảnh hoàn hảo, anh bắt đầu một ngày từ lúc 2 giờ chiều.
2h chiều
Sau bữa trưa, tôi đi ra bờ biển phía nam Wellington. Tôi đang lên kế hoạch chụp một kiểu bố cục mà tôi chưa từng chụp trước đó, vì vậy tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng khi trời còn sáng để có thể dựng bố cục vào ban đêm.
2h30 chiều
Trên đường ra đến địa điểm, tôi nhận thấy rất nhiều thiệt hại do bão để lại trên đường dành cho xe 4 bánh mà tôi phải đi qua. Tôi phải đi qua một đoạn đường bị sạt lún nhưng với quyết tâm tiếp tục đi đến đích, tôi nhấn ga tiến về phía trước, và rồi tôi bị sa lầy trong cát mềm.
3h chiều
Sau khi cố gắng đào bới để thoát ra, một chiếc 4 bánh khác đến và may mắn là anh ta có một sợi dây thừng kéo trên xe. Anh ta thuyết giảng tôi về việc lái xe trên bờ biển phía Nam sau một cơn bão như thế này nguy hiểm thế nào, và lôi tôi ra ngoài. Tôi gửi anh ta $20 để bày tỏ lòng cám ơn vì đã giúp tôi thoát khỏi rắc rối và tiếp tục mạo hiểm đến địa điểm của mình.
3h45 chiều
Tôi đã đến địa điểm và thấy rất nhiều mảnh vụn và xói mòn rải rác khắp bố cục mà mình đã định. Tôi dành trọn 15 phút để chuẩn bị và cố gắng để có được bố cục đúng như ý, nhưng đành chấp nhận thực tế rằng tôi không thể dựng được bố cục như ý, vì các mảnh vụn đã làm hỏng đường dẫn chủ đạo của mình. Tôi chọn một góc chụp khác để tìm xem có gì khả dĩ hơn không.
4h30 chiều
Tôi nhìn về phía Nam và nhận thấy một nhóm những đám mây đang tiến về phía tôi. Đây là một trong những điều khó chịu nhất trong chụp ảnh thiên văn, bạn có thể đã sắp đặt tất cả mọi thứ thế rồi thời tiết xuất hiện và làm hỏng cả đêm của bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ tinh thần lạc quan và trông cậy vào dự báo thời tiết.
5h15 chiều
Tôi trở về nhà và kiểm tra dự báo thời tiết một lần nữa. Dự báo nói thời tiết tốt có gió nhẹ, nhưng trời bên ngoài cửa sổ thì thời tiết thực tế đâu phải vậy. Tôi còn có hơn bốn tiếng nữa là đến lúc chụp, vì vậy tôi hy vọng tới lúc đó, những đám mây kia sẽ tan hết.
5h30 chiều
Tôi kiểm tra đi kiểm tra lại thiết bị mà tôi mang theo, và sạc cục pin máy ảnh cho đầy thêm. Tối nay tôi sẽ quay một video kiểu time lapse, vì vậy tôi sẽ mang theo các thiết bị sau đây:
Máy ảnh Canon EOS 6D
Ống kính Canon EF14mm f/2.8L II USM
Chân đỡ sợi carbon với một Ballhead hiệu Syrp
Bộ điều khiển Syrp Genie Motion Control Unit để điều khiển time-lapse
Thanh trượt Syrp Magic Carpet Slider để Syrp Genie trượt lên
Dụng cụ làm ấm ống kính chống sương để ngăn không cho hơi nước ngưng tụ trên ống kính
Một nguồn 12V để cung cấp điện cho dụng cụ làm ấm ống kính
6h00 chiều
Tôi kiểm tra dự báo thời tiết một lần nữa, thời tiết vẫn tốt, nhưng mây hiện vẫn đang răng kín trên bầu trời. Tôi quyết định nghỉ ngơi một chút trước khi sẵn sàng quay trở lại địa điểm chụp một lần nữa.
7h30 tối
Trời đã tối. Tôi mặc quần áo ấm vào và mang thiết bị lên xe, gồm cả tấm nệm thổi phồng ở phía sau xe để tôi có thể nằm nghỉ trong khi chạy kỹ thuật chụp time lapse. Tôi đặt mua một chiếc bánh pizza để mang đi từ cửa hàng bánh pizza mà tôi thích.
7h45 tối
Tôi nhảy lên xe và đi đến cửa hàng bánh pizza. Tôi hơi lo lắng, vì tôi biết tôi phải xác định chỗ đường xấu một lần nữa và không muốn bị sa lầy như hồi chiều.
8h15 tối
Tôi đến chỗ đoạn đường xấu, dừng lại, đèn pha vẫn bật và ra ngoài để đi thử lên để xem tình hình ra sao. Khi hài lòng nhận thấy rằng xe có thể lăn bánh qua được, tôi lái xe bạo hơn một chút, nhưng lần này để số thấp và đã qua được phía bên kia.
8h30 tối
Tôi tới địa điểm - vẫn còn một chút mây lơ lửng xung quanh, nhưng chắc chắn là mây đang tan. Tôi ăn bánh pizza dưới những vì sao trước khi bắt đầu dựng thiết bị.
9h00 tối
Còn khoảng 45 phút là đến thời điểm chụp, vì vậy tôi bắt đầu thiết lập time lapse. Lúc này bầu trời gần như hoàn toàn trong không một gợn mây, tôi khá nhẹ nhõm và vui mừng vì sẽ có được một đoạn time lapse tốt.
EOS 6D, EF24-70mm f/2.8L USM, f/2.8, 24mm, 25.0giây, ISO6400
Bờ biển Wainuamata gần Wellington, New Zealand gồ ghề và hiện rõ trên ảnh, nhưng cảnh nơi đây cũng đẹp như tranh vậy
9h30 tối
Sau khi dành một lúc lâu thiết lập time lapse và chụp một số ảnh thử nghiệm, tôi đã sẵn sàng để bắt đầu chụp. Tôi đã thiết lập time lapse chạy trong 3,5 giờ, tất cả những bức ảnh đó sẽ cho tôi một đoạn phim chỉ dài vỏn vẹn hơn 15 giây.
9h40 tối
Sau khi kiểm tra lần cuối cùng, Dải Ngân Hà trên trời ở đúng ngay vị trí trong bố cục của tôi và tôi đã sẵn sàng để bắt đầu chụp time lapse. Tôi bấm nút bắt đầu trên Syrp Genie, nút này sẽ khởi động bức phơi sáng đầu tiên trên máy ảnh Canon EOS 6D. Tôi chờ đợi một vài phút để chắc chắn rằng mọi bước trong kỹ thuật time lapse đều đã ổn, và sau đó quay trở lại xe để chờ đợi thành quả.
EOS 5D Mark III, EF14mm f/2.8L II USM, f/2.8, 14mm, 30.0giây, ISO3200
Cắm trại dưới trời sao
9h45 tối
Tôi đã dựng chỗ ngủ phía sau xe, nhưng trước khi ngủ, tôi khoan thai dành ra 10 phút bên ngoài chỉ để ngắm nhìn những vì sao.
10h00 tối
Tôi trở vào xe để nghỉ ngơi một chút và đặt đồng hồ báo thức lúc 1h sáng để có thể thức dậy và hy vọng những tấm time lapse cũng gần xong.
1h00 sáng
Đồng hồ báo thức đánh thức tôi và tôi bước ra khỏi xe. Ban đêm lúc này vô cùng đẹp, trời đêm đã di chuyển một chút kể từ lúc tôi đi ngủ. Tôi có thể thấy đèn đỏ phía sau máy ảnh vẫn sáng, nghĩa là time lapse vẫn đang chạy, nhưng tôi có thể đi bộ về phía máy ảnh để chờ đến khi hoàn thành.
1h12 sáng
Time lapse chụp tấm phơi sáng cuối cùng và kết thúc. Tôi cẩn thận tắt tất cả các dụng cụ trước để đảm bảo không làm hư hỏng thứ gì, và sau đó bắt đầu tháo các thiết bị ra.
EOS 6D, EF14mm f/2.8L II USM, f/2.8, 14mm, 30.0giây, ISO6400
Lõi thiên hà của Dải Ngân Hà trôi về phía đông, bóng một thuyền đánh cá cũ kĩ bị đánh cạn sau cơn bão
1h20 sáng
Tôi mang tất cả đồ đạc dụng cụ lên phía sau xe, và bật máy ảnh lên lần cuối để kiểm tra các hình ảnh trên màn hình LCD. Khi lướt qua những bức ảnh, tôi có thể thấy mình đã chụp được những tấm time lapse thành công. Tôi tắt máy ảnh, đặt nó trong túi, lên xe và bắt đầu đi về nhà.
2h00 sáng
Tôi chạy xe vào gara và bắt đầu mang đồ xuống. Khi đã mang tất cả mọi thứ vào trong, tôi bắt đầu đưa tất cả hình ảnh time lapse vào Lightroom trên máy tính của mình. Tất cả mọi thứ trông thật tuyệt, nhưng tôi sẽ không ngồi xuống và xử lý bất cứ thứ gì ngay lúc này. Tôi thường chờ ít nhất qua đến ngày hôm sau để làm điều đó.
2h40 sáng
Hoàn toàn mệt lừ sau một ngày dài lên kế hoạch và chụp ảnh, tôi leo lên giường đi ngủ.
Đăng ký với chúng tôi để nhận những cập nhật mới nhất về tin tức, bí quyết và mẹo nhiếp ảnh!
Hồ sơ nhiếp ảnh gia
Mark Gee
Mark Gee là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim time lapse từng đoạt giải thưởng, sinh sống tại Wellington, New Zealand. Hoàn toàn tự học, Mark mạo hiểm đến những địa điểm tối tắm và xa xôi nhất trên khắp đất nước, thích thú đối mặt với thách thức của việc kết hợp những thắng cảnh đẹp nhất New Zealand với với vẻ đẹp thanh tao của bầu trời đêm bằng những cách thức mới mẻ và sáng tạo.
Phim ngắn ‘Full Moon Silhouettes’ (Tạm dịch: Hình bóng trăng tròn) của anh đã được thế giới ca tụng khi đoạn phim lan truyền rộng rãi trên mạng, và vào năm 2013, Mark đã giành giải thưởng danh giá Nhiếp Ảnh Gia Thiên Văn của Năm. Anh không chỉ giành giải thưởng chung và còn thắng ở các hạng mục Trái đất và Không gian, hạng mục Con người và Không gian, là 2 hạng mục chưa từng có trong lịch sử cuộc thi.