5 địa điểm tuyệt vời để chụp hình dưới nước ở Châu Á
Thật khó để có thể diễn tả được vẻ đẹp diệu kỳ của thế giới dưới nước. Từ rặng san hô với màu sắc huyền ảo cho đến những chú cá mập xám thép, hay những chú cá ngựa bé xíu lấp ló khó phát hiện, biển khơi là nơi chứa vô số những sinh vật hấp dẫn mà nhiếp ảnh gia nào cũng mơ ước được tác nghiệp tại đây. Hãy đọc tiếp để xem 5 nơi tuyệt vời nhất ở châu Á mà bạn chắc chắn sẽ hối tiếc nếu không mang máy ảnh của mình tới.
Hình do Lisa Collins chụp bằng máy Canon EOS 6D, ống kính EF100mm f/2.8L Macro IS USM , f/22, 1/100 giây, 200mm, ISO 160
Anilao, The Philippines
Lý tưởng nhất: Chụp ảnh cận cảnh và loài mang trần
Chỉ cách thủ đô Manila 3 tiếng chạy xe về phía Nam, Anilao là địa điểm lặn nổi tiếng với những dải đá ngầm đặc biệt phù hợp cho môi trường thủy sinh, là ngôi nhà của nhiều loại san hô cứng và mềm vô cùng đẹp mắt. Khi đến đây, bạn có thể háo hức bắt gặp được vô số sinh vật bé nhỏ như tôm, cua, mực ống nhỏ và mực nang ẩn mình giữa hệ thực vật, bên cạnh đó còn có những dải sóng cồn ở hầu hết các địa điểm. Bạn thậm chí còn có thể chụp ảnh siêu cận cảnh ở đây nữa. Tầm nhìn dưới nước khá ổn định, trong khoảng từ 12-15 m.
Ảnh do Steve Matador chụp với máy Canon PowerShot G11, f/2.8, 1/60 giây, 6,1 mm, ISO 80
Bunaken, Indonesia
Lý tưởng nhất: Chụp ảnh cận cảnh và góc rộng
Nổi tiếng là một địa điểm lặn men theo dốc đá lớn dưới biển cùng rặng san hô vô cùng dồi dào, Bunaken là một nơi "phải đến" cho những ai yêu bộ môn lặn - dù bạn có mê chụp ảnh hay không. Quang cảnh dưới nước đẹp như tranh cùng điều kiện tĩnh lặng đã biến nơi đây thành một địa điểm hoàn hảo cho cả những nhiếp ảnh gia mới vào nghề hay những người dày dặn kinh nghiệm. Tại đây, bạn còn có thể bắt gặp vài chú cá mập, rùa, cá ngừ và đàn cá sòng cỏ.
Ảnh do Steve Matador chụp với máy Canon PowerShot G11, f/4.0, 1/60 giây, 18,1 mm, ISO 80
Eo biển Lembeh, Indonesia
Lý tưởng nhất: Chụp ảnh cận cảnh
Cứ thử nhắc tới Eo biển Lembeh với bất cứ thợ lặn nào, bạn cũng sẽ thấy họ sẽ tuôn ra một tràng không ngớt về xứ sở thần tiên của những sinh vật sống nơi đây - đặc biệt là khi người thợ lặn đó cũng chính là một nhiếp ảnh gia. Là một địa điểm nổi tiếng để lặn thám hiểm, bạn sẽ choáng ngợp khi phát hiện ra sự đa dạng của sinh vật sống nơi đây: cá ngựa, hải sâm quý hiểm, cá con, tôm nhiều màu, cá sóc sặc sỡ, tôm bọ ngựa và cả cá ếch nữa. Ở đây thì lặn vào thời điểm nào trong năm cũng hợp cả, nhưng hãy tránh mùa mưa (tháng Chạp đến tháng Hai) vì mùa mưa sẽ làm ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Ảnh do Steve Matador chụp với máy Canon PowerShot G11, f/3.5, 1/100 giây, 12,1 mm, ISO 80
Quần đảo Mergui, Myanmmar
Lý tưởng nhất: Chụp ảnh cận cảnh và góc rộng
Quần đảo Mergui chỉ mở cửa cho thợ lặn từ năm 1997 và là một trong những địa điểm ít được lui tới hơn ở châu Á - nhưng lại nổi tiếng là một địa điểm duy nhất để "sống trong tàu lặn" ở khu vực này! Vì vậy, những thợ lặn tới đó phiêu lưu sẽ được thưởng ngoạn những quang cảnh dưới nước đẹp đến mê hồn. Hãy cứ nghĩ đến những đỉnh đá ngầm lớn nhô lên hùng vĩ từ thềm đại dương, hàng tấn sinh vật biển đủ loại màu sắc sặc sỡ và hàng đàn cá đủ loại kích cỡ, và không khu vực lặn nào giống khu vực nào cả. Cuộc sống nơi đây vô cùng náo nhiệt. Bạn thậm chí còn có thể bắt gặp cả những loài sống gần mặt nước như cá mập, mực nang vân hổ, và nếu cực may mắn thì bạn còn có thể thấy cá nhám voi và cá đuối.
Ảnh do Dan Exton chụp bằng máy Canon EOS 400D, ống kính EF15mm f/2.8 Fisheye, f/6.3, 1/100 giây, 15 mm, ISO 200
Wakatobi, Đông Nam Sulawesi
Lý tưởng nhất: Chụp ảnh cận cảnh và góc rộng
Nằm ở biển Banda, rặng san hô Wakatobi được Jacques Cousteau mệnh danh là "cõi niết bàn dưới nước". Đời sống thủy sinh nơi đây thật vô cùng đa dạng và là một trong những rặng san hô ban sơ nhất trên khắp châu Á. Từ những đàn cá sòng cỏ lớn cho đến cá mó đầu gù hay cá nhồng và "vườn" san hô sặc sỡ, sự đa dạng đến choáng ngợp này chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn dù bạn muốn chụp ảnh dưới nước kiểu nào đi chăng nữa.
Đăng ký với chúng tôi để nhận những cập nhật mới nhất về tin tức, bí quyết và mẹo nhiếp ảnh!
Mona Teo Hồ sơ tác giả Mona Teo là một cây viết sống và làm việc tại Singapore. Cô tin rằng không có gì mạnh mẽ hơn ngôn từ (dĩ nhiên là không tính cà phê). Yêu thích du lịch và đam mê môn lặn, cô luôn thường trực trên tay chiếc Kindle để tra cứu chuyến bay và tìm kiếm nguồn cảm hứng từ thế giới xung quanh mình. |