Các Đặc Điểm của Ống Kính Góc Rộng và Cách Sử Dụng Chúng Hiệu Quả Hơn
Ống kính góc rộng cho phép bạn chụp được cảnh rộng. Tuy nhiên, vì nó cũng có những đặc điểm có thể làm cho đối tượng có vẻ méo, cần phải cẩn thận khi bạn sử dụng loại ống kính này. Trong nội dung sau đây, tôi sẽ giải thích các kỹ thuật sử dụng ống kính góc rộng ở các tình huống khác nhau. (Người trình bày: Ryosuke Takahashi, Người mẫu: Natsuki Ota)
Trang: 1 2
Các Đặc Điểm của Ống Kính Góc Rộng
Một trong những đặc điểm của ống kính góc rộng là khả năng chụp được sự rộng lớn của một cảnh trong ảnh bằng góc ngắm rộng của nó. Ngoài ra, có có thể tạo ra một hiệu ứng biến dạng gợi tò mò khi bạn chụp ảnh từ một khoảng cách gần. Những đặc điểm này có thể được sử dụng để làm nổi bật hình dạng của một đối tượng hoặc độ sâu của phong cảnh. Cần phải cẩn thận vì hiện tượng méo có khả năng xuất hiện cao hơn ở rìa ảnh. Để sử dụng hiệu quả ống kính góc rộng, điều quan trọng là phải kiểm soát cả góc ngắm lẫn hiệu ứng méo trong ảnh cùng lúc. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể thêm vẻ động vào biểu đạt nhiếp ảnh của bạn.
CH1: Tôi có thể thu hút sự chú ý vào độ sâu của con đường bằng cách nào?
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L II USM/ FL: 16mm/ Aperture-priority AE (f/8, 1/320 giây, EV+0,3)/ ISO 100/ WB: Daylight
Đáp: Hãy cố lập bố cục ảnh thẳng đứng
Chìa khóa ở đây là cách chúng ta có thể sử dụng hiệu quả nhất sự rộng lớn của ảnh bằng cách khéo léo chọn một bố cục thẳng đứng và một bố cục nằm ngang. Trong ví dụ này, tôi đưa con đường ở nền trước và bầu trời xanh vào bố cục bằng một tấm ảnh chụp thẳng đứng để tạo ra ấn tượng là con đường không bao giờ kết thúc. Cụ thể là, góc ngắm rộng có hiệu ứng mạnh hơn ở mặt dài của ảnh. Nói cách khác, bạn có thể sử dụng một bố cục thẳng đứng hoặc bố cục nằm ngang để nhấn mạnh "độ sâu" hoặc "sự rộng lớn" một cách có chủ đích. Ngoài ra, bằng cách để con đường ở nền trước chiếm một phần lớn của bố cục, sự tương phản được tạo ra với điểm hội tụ ở khoảng cách rất xa, điều này tự nhiên làm nổi bật độ sâu trong ảnh.
Ở bố cục nằm ngang, độ rộng của góc ngắm có hiệu quả ở hướng ngang, không thể chuyển tải độ sâu là đặc điểm của vị trí này.
CH2: Làm thế nào để chụp được những tấm ảnh mà không làm méo đối tượng chân dung?
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L II USM/ FL: 16mm/ Aperture-priority AE (f/8, 1/400 giây)/ ISO 100/ WB: Daylight
Đáp: Đặt đối tượng chân dung ở giữa
Do các tính chất của ống kính góc rộng, đối tượng được đặt gần rìa hơn sẽ méo nhiều hơn. Độ méo này là tỉ lệ thuận với chiều rộng của góc ngắm, và nó sẽ mạnh hơn với độ dài tiêu cự ngắn hơn. Mặc dù bạn không cần phải lo lắng quá nhiều khi chụp các đối tượng chẳng hạn như phong cảnh, không được đặt các đối tượng chân dung ở rìa ảnh khi bạn chụp chân dung hoặc ảnh lưu niệm dùng ống kính góc rộng. Nếu không, đối tượng sẽ bị méo. Để tránh vấn đề này, cách tốt nhất là đặt đối tượng gần tâm hơn là nơi ít méo hơn.
Do các tính chất của ống kính góc rộng, khuôn mặt và cơ thể bị kéo ra ngoài, làm cho đối tượng bị có vẻ méo trong ví dụ này. Mặc dù bạn có thể cố tình đưa vào những vật thể khác trong nền sau, một bố cục như thế chắc chắn là nên tránh trong chụp ảnh chân dung.
CH3: Tôi có thể sử dụng phối cảnh bằng cách nào?
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/4L IS USM/ FL: 16mm/ Aperture-priority AE (f/5,6, 1/30 giây)/ ISO 2500/ WB: Auto
Sử dụng chức năng Live View, tôi đặt máy ảnh ở một vị trí thấp gần mặt đất để chụp hàng cột từ một góc nghiêng hơn. Luôn nhớ xem cả chiều cao và góc như một tập hợp khi bạn chụp.
Đáp: Chú ý vị trí và góc chụp
So với các ống kính khác có dải độ dài tiêu cự khác, ống kính góc rộng phóng đại khoảng cách tương đối giữa các vật thể ở gần và ở xa, do đó nó thích hợp cho sự biểu đạt mạnh. Tuy nhiên, bạn không thể có được hiệu ứng phối cảnh mong muốn từ chiều cao và góc bình thường. Để phóng đại hơn nữa khoảng cách tương đối, chìa khóa là điều chỉnh chiều cao hoặc góc để tìm một vị trí ở một góc nghiêng hơn so với đối tượng. Ví dụ trong CH3 là ảnh chụp Nhà Thờ Notre-Dame tại Thụy Sĩ. Bằng cách lập bố cục ảnh Live View từ góc thấp, tôi có thể tạo ra một hiệu ứng phối cảnh mạnh trên các cây cột kéo dài lên trần nhà, nhờ đó nhấn mạnh sự rộng lớn bên trong công trình nguy nga này. Lưu ý rằng vì ống kính góc rộng nhạy cảm với chiều cao và góc chụp, một chút sáng tạo sẽ giúp thay đổi ấn tượng của ảnh rất nhiều.
Bên trên là ví dụ ảnh chụp ở tầm mắt. Có ít hiệu ứng phối cảnh khi có vị trí chụp cao và máy ảnh không được đặt ở một góc nghiêng so với cột. Sự khác biệt là rất lớn khi bạn so sánh nó với ảnh chụp ở góc thấp.
Sinh tại Aichi vào năm 1960, Takahashi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh tự do vào năm 1987 sau khi làm việc với một studio ảnh quảng cáo và một nhà xuất bản. Chụp ảnh cho các tạp chí lớn, anh đã đến nhiều nơi trên thế giới từ các cơ sở của anh tại Nhật Bản và Trung Quốc. Takahashi là thành viên của Japan Professional Photographers Society (JPS).
Một nguyệt san tin rằng thú vui nhiếp ảnh sẽ tăng cao khi người ta tìm hiểu càng nhiều về các chức năng của máy ảnh. Tạp chí này cung cấp thông tin về các máy ảnh và tính năng mới nhất và thường xuyên giới thiệu các kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.
Xuất bản bởi Impress Corporation