Cách Sử Dụng Kỹ Thuật Góc Phần Tư Để Cân Bằng Đối Tượng Và Phong Cảnh
Bạn càng luyện tập tìm các bố cục khác nhau, bạn sẽ càng dễ dàng tìm ra những cách chụp ảnh phong cảnh mới và sáng tạo hơn. Trong bài viết này, Hirokazu Nagane, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh đường sắt nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, chia sẻ một kỹ thuật cực kỳ hiệu quả mà ông thường sử dụng: góc phần tư. Hãy xem liệu bạn có thể áp dụng kỹ thuật này vào các cảnh chụp có đối tượng chính trên nền phong cảnh đẹp nhưng rối rắm hoặc các yếu tố xung quanh hay không. Bạn sẽ ngạc nhiên về hiệu quả của nó ngay cả trong các thể loại khác ngoài nhiếp ảnh phong cảnh hoặc đường sắt! (Người trình bày: Hirokazu Nagane, Digital Camera Magazine)
EOS R/ RF24-240mm f/4-6.3 IS USM/ FL: 94mm/ Manual exposure (f/8, 1/1250 giây)/ ISO 400/ WB: Daylight
Địa điểm: Tuyến JR Hokkaido - Hakodate Main Line, giữa các ga Ebeotsu và Moseushi, Hokkaido, Nhật Bản
Giới thiệu: Tôi nghĩ gì khi lập bố cục
Tôi có một phương pháp khá có hệ thống để lập bố cục phong cảnh đường sắt.
1. Phân tích cảnh
Điều đầu tiên tôi làm là phân tích hợp lý xem phần nào của khung cảnh thu hút tôi nhất. Tôi lấy đó làm điểm neo của cảnh chụp và lập bố cục sao cho nó chiếm 70% đến 80% khung hình.
2. Quyết định vị trí đặt đoàn tàu
Đối với thể loại nhiếp ảnh của tôi, đoàn tàu (đối tượng chính) cần phải có sự hiện diện đáng kể (sức nặng về mặt thị giác). Nếu mọi người chỉ nhìn phong cảnh và không chú ý đến đoàn tàu, ảnh của tôi sẽ đơn thuần chỉ là một thắng cảnh, chứ không phải phong cảnh đường sắt!
Sức nặng về mặt thị giác không chỉ là vấn đề phóng to sao cho đoàn tàu chiếm nhiều diện tích hơn trong khung hình. Có nhiều cách tinh vi hơn để điều chỉnh nó. Phương pháp tôi thường sử dụng nhất là đặt khung cảnh chính và đoàn tàu chéo nhau. Theo cách đó, mắt người xem luôn di chuyển từ khung cảnh chính sang đoàn tàu, ngay cả khi đoàn tàu chiếm ít không gian hơn trong khung hình. Tùy vào những gì có sẵn, các yếu tố như đường hầm và ánh sáng cũng có thể được sử dụng để thu hút sự chú ý nhiều hơn vào đoàn tàu.
Không giống như bố cục đường chéo thông thường, thường không có yếu tố đường chéo rõ ràng nào trong khung hình. Nhưng bạn có thể tự rèn luyện để nhìn ra các mối quan hệ đường chéo bằng kỹ thuật góc phần tư, mà tôi đã chia thành 4 bước bên dưới.
Bước 1: Thực hành quan sát cảnh theo các góc phần tư
Khi bạn nhìn qua kính ngắm hoặc màn hình LCD phía sau, hãy tưởng tượng hình ảnh được chia thành bốn phần như hình minh họa bên trên. Bạn có thể sử dụng hình ảnh hiển thị khung lưới để giúp bạn.
Sau đó, hãy xem bạn có thể lập khung hình sao cho đối tượng chính (đối với tôi là đoàn tàu) nằm ở một góc phần tư và quang cảnh xung quanh nằm ở ba góc phần tư còn lại hay không. Không sao nếu bạn không thể sắp xếp chúng thành một đường chéo hoàn hảo: ý của chúng tôi là hãy biết rằng bạn có thể sắp xếp các yếu tố theo cách này! Không quan trọng nếu đối tượng chồng lên các đường góc phần tư.
Bước 2: Xác định phần hấp dẫn nhất của khung cảnh và lập khung hình cho đối tượng theo đường chéo qua nó
Ở bước này, chúng ta sẽ thực hiện cụ thể hơn bước trước đó. Có thể có nhiều yếu tố trong cảnh này, do đó hãy xác định yếu tố nào thu hút bạn nhất. Phần hấp dẫn này sẽ là điểm neo của bố cục. Đặt nó vào một trong các góc phần tư và cố gắng đặt đối tượng chính của bạn vào góc phần tư đối diện nó theo đường chéo.


Được lập bố cục bằng cách sử dụng hoa anh đào làm điểm neo


Được lập bố cục bằng cách sử dụng cỏ hòa thảo làm điểm neo.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Việc đạt được kết quả tốt có thể khó khăn hơn mong đợi, nhưng đừng bỏ cuộc!
Đôi khi, khó khăn nằm ở chỗ đặt điểm neo và đối tượng ở các góc phần tư đối diện. Khi khác, bạn có thể nhận ra rằng tỉ lệ của đối tượng so với phong cảnh trông không lý tưởng khi nhìn từ vị trí bạn chụp. Hãy chuẩn bị di chuyển nhiều để tìm được vị trí và góc chụp tốt nhất. Đừng bỏ cuộc: điều này xảy ra thường xuyên, ngay cả với tôi!
Bước 3: Kiểm tra kỹ khung hình để tìm các yếu tố không mong muốn
Sau
EOS R3/ RF100-500mm f/4.5-7.1L IS USM/ FL: 428mm/ Manual exposure (f/8, 1/4000 giây)/ ISO 1600
Trước
A: Các cấu trúc nhân tạo
B: Những ngôi nhà có khả năng gây mất tập trung
C: Cành cây quá rõ ràng
Khi lập bố cục, bạn sẽ chọn lọc những gì có trong khung hình. Hãy chú ý đến những yếu tố gây mất tập trung về mặt thị giác hoặc làm gián đoạn thế giới mà bạn muốn tạo ra bằng ảnh của mình. Ví dụ, khi chụp ảnh phong cảnh đường sắt, chúng ta thường cố gắng tránh đưa nhà cửa, cột điện, hoặc các yếu tố nhân tạo khác vào khung hình.
Bạn có thể phóng to để cắt bỏ những chi tiết gây mất tập trung này, hoặc thay đổi góc chụp để ẩn chúng sau thứ gì đó thẩm mỹ hơn. Nhưng đôi khi, lựa chọn tốt nhất là thay đổi hoàn toàn vị trí chụp của bạn.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Thêm đủ thời gian "đệm" để xử lý sự cố
Thời gian có thể trôi nhanh hơn dự kiến khi bạn đang tìm kiếm góc chụp đẹp nhất, không bị phân tâm. Đôi khi, ngay sau khi tôi cố gắng che giấu một yếu tố gây mất tập trung, tôi lại nhận thấy có điều gì đó khác làm tôi khó chịu và phải điều chỉnh lại bố cục. Trong những tình huống khó khăn, tôi có thể phải di chuyển vài lần trước khi hài lòng. Đó là lý do tại sao tôi luôn lên kế hoạch đến địa điểm chụp ít nhất 1 giờ trước khi chuyến tàu mục tiêu của tôi dự kiến đi qua.
Bước 4: Hãy nghĩ đến kỹ thuật góc phần tư khi bạn quan sát cảnh
Các bước từ 1 đến 3 là những bước cơ bản để lập bốc cục với kỹ thuật góc phần tư. Bước cuối cùng là rèn luyện đôi mắt và khả năng hình dung cho đến khi bạn có thể dễ dàng nhìn thấy mối quan hệ đường chéo! Hãy thực hiện việc đó mỗi khi bạn đi chụp ảnh, hoặc chỉ đơn giản là tìm kiếm địa điểm. Tôi vẫn hình dung hình ảnh theo cách này, và nếu tôi biết một đoàn tàu sắp chạy qua, tôi sẽ chụp ảnh để xem bố cục trong đầu tôi có tác dụng trên thực tế hay không.
Sau đây là một số ví dụ về một số bức ảnh tôi chụp bằng kỹ thuật góc phần tư.
Đoàn tàu giữa phong cảnh mùa xuân xanh tươi
EOS R/ RF24-105mm f/4L IS USM/ FL: 50mm/ Manual exposure (f/11, 1/500 giây)/ ISO 800

Đoàn tàu nằm ở một góc phần tư, và những cành cây xanh tươi ở phía trước nằm ở ba góc phần tư còn lại.
Đoàn tàu với hoa cúc chuồn chuồn
EOS R6 Mark II/ RF24-70mm f/2/8L IS USM/ FL: 27mm/ Manual exposure (f/14, 1/800 giây)/ ISO 1600

Ở đây, tôi đặt những bông hoa cúc chuồn chuồn đang nở ở phía trước để trông giống như đoàn tàu đang hướng về phía chúng.
Với hoa hướng dương
Máy ảnh Full-frame EOS DSLR/ ống kính 24-70mm/ FL: 31mm/ Manual exposure (f/11, 1/640 giây)/ ISO 500

Ở đây, tôi đặt đoàn tàu vào góc phần tư thứ 1, Núi Kaimon vào góc phần tư thứ 2, và cánh đồng hoa hướng dương vào 2 góc phần tư cuối cùng.
Trong một khung cảnh tuyết rơi giá lạnh
EOS R5/ RF16mm f/2.8 STM/ FL: 16mm/ Manual exposure (f/13, 1/2500 giây)/ ISO 1600

Ở đây, tôi đã "đóng băng" đoàn tàu ngay tại thời điểm nó nằm chéo đối diện với tia nắng trên cây bị đóng băng.
Trên nền núi
Máy ảnh APS-C EOS DSLR/ ống kính 70-200mm f/2.8L/ FL: 105mm (168mm equivalent)/ Manual exposure (f/8, 1/2 giây)/ ISO 400

Một cảnh chụp khác được căn thời gian có chủ ý để đóng băng đoàn tàu khi nó đi chéo qua những ngọn núi phủ tuyết.
Thủ thuật chuyên nghiệp: Quy trình đóng vai trò quan trọng
Sẽ có những lúc dù bạn có cố gắng thế nào thì các yếu tố cũng không thể khớp hoàn toàn vào các góc phần tư. Điều đó là hoàn toàn ổn. Quá trình học cách nhìn bố cục mới là điều quan trọng. Thông qua đó, bạn sẽ xây dựng được nhận thức riêng của mình về điều gì là hiệu quả và điều gì không, và điều đó sẽ giúp cải thiện kỹ năng lập bố cục của bạn.
Thủ thuật cuối cùng: Nếu bạn không thể tìm thấy mối quan hệ đường chéo, hãy thử điều gì đó khác
Bước 4 là để thực hành. Sẽ luôn có những tình huống trong đó một kỹ thuật lập bố cục khác mang lại kết quả tốt hơn! Các kỹ thuật lập bố cục khác mà tôi thường sử dụng là bốc cục chia đôi và bốc cục trung tâm. Làm quen với các kỹ thuật lập bố cục khác nhau để bạn có thể chọn được kỹ thuật tốt nhất.
Bố cục chia đôi
EOS R5/ RF15-35mm f/2.8L IS USM/ FL: 17mm/ Manual exposure (f/8, 1/4000 giây)/ ISO 1600
Bố cục chia đôi là cách dễ nhất để thể hiện tính đối xứng, chẳng hạn như hình ảnh phản chiếu tuyệt đẹp trên mặt nước tĩnh lặng. Đôi khi, bạn có thể áp dụng kỹ thuật góc phần tư để đạt được sự cân bằng tốt hơn. Ví dụ, trong ảnh bên trên, tôi đã đặt hình ảnh phản chiếu của cây cối và mây ở góc dưới bên trái theo đường chéo đối diện với đoàn tàu. Nhắc nhở: đừng quá chú trọng vào việc áp dụng kỹ thuật nếu một bố cục khác có hiệu quả hơn!
Bố cục trung tâm
Máy ảnh APS-C EOS DSLR/ ống kính 600mm f/4 + Extender EF2x III/ FL: 1200mm (1920mm equivalent)/ Manual exposure (f/11, 1/3200 giây)/ ISO 400
Có nhiều tài liệu không khuyến khích các nhiếp ảnh gia sử dụng bố cục trung tâm, trong đó bạn đặt đối tượng vào giữa khung hình. Tuy nhiên, nó có thể có hiệu quả rất tốt, đặc biệt là khi bạn muốn thu hút sự chú ý của người xem vào một đối tượng rất nổi bật.
Tóm tắt những kiến thức cơ bản về lập bố cục của bạn với các bài viết sau đây:
- Lập Khung Hình, Ngang và Dọc
- Các Đối Tượng Chính và Phụ; Hình Tam Giác
- Bố Cục Trung Tâm, Bố Cục Đối Xứng
- Định Hướng Trực Quan, Sự Bất Ngờ, và Giảm Trừ
- Quy Tắc Phần Ba & Quy Tắc Phần Tư
- Bố Cục Đường Chéo và Quy Tắc Phần Ba
- "Mô Thức & Sự Nhịp Nhàng" & "Đường Cong Chữ S"
Nâng cao kỹ năng lập bố cục của bạn với các bài tập này:
- Tái Khám Phá Bố Cục Trung Tâm: 2 Bài Tập Dành Cho Buổi Chụp Ảnh Dạo Tiếp Theo Của Bạn
- Chụp Ảnh Phong Cảnh Tối Giản với Bầu Trời
- Cận Cảnh 24mm: 3 Bài Tập Đơn Giản Để Nắm Vững Phối Cảnh Góc Rộng
- Phương Pháp Ma Trận: Một Cách Có Hệ Thống Để Thêm Tính Đa Dạng Cho Ảnh Của Bạn
Giới thiệu về tác giả
Một nguyệt san tin rằng thú vui nhiếp ảnh sẽ tăng cao khi người ta tìm hiểu càng nhiều về các chức năng của máy ảnh. Tạp chí này cung cấp thông tin về các máy ảnh và tính năng mới nhất và thường xuyên giới thiệu các kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.
Xuất bản bởi Impress Corporation
Sinh năm 1974 tại Yokohama. Sau khi tốt nghiệp trường Musashi Institute of Technology (hiện nay được gọi là trường ‘Tokyo City University’), ông học ở nhiếp ảnh gia chụp xe lửa Mitsuhide Mashima, là CEO của Mashima Railway Pictures. Trong những năm gần đây, ông tham gia giải thích các kỹ thuật chụp ảnh xe lửa trong các tạp chí nhiếp ảnh, và viết hướng dẫn chụp ảnh xe lửa. Ông đi khắp Nhật Bản chụp ảnh xe lửa với khẩu hiệu "chụp ảnh như đời thực để bạn có thể nghe thấy âm thanh của xe lửa khi nhìn vào ảnh".