Những Điểm Cơ Bản về Ống Kính #4: Lấy Nét Sâu
Lấy nét sâu, trong đó mọi yếu tố trong ảnh đều đúng nét, là một kỹ thuật thường được sử dụng trong chụp ảnh phong cảnh và đường phố. Ở đây, chúng ta tìm hiểu về 4 yếu tố ảnh hưởng đến nét sâu. Còn thử áp dụng chúng trong buổi chụp tiếp theo của bạn thì sao?
EOS R6 Mark II + RF14-35mm f/4L IS USM @ f/16, 1/20, ISO 125
Cách lấy nét sâu?
"Lấy nét sâu" là một trạng thái trong đó tất cả các yếu tố trong ảnh đều đúng nét. Bạn có thể gọi nó là một kỹ thuật ngược với tạo hiệu ứng bokeh. Để đạt được, bạn cần phải tối đa hóa "độ sâu trường ảnh" (vùng ảnh xuất hiện đúng nét).
Độ sâu trường ảnh được kiểm soát bởi 4 yếu tố sau đây:
1. Độ dài tiêu cự
Độ sâu trường ảnh lớn hơn ở các độ dài tiêu cự ngắn.
2. Khẩu độ
Độ sâu trường ảnh lớn hơn ở khẩu độ nhỏ hơn.
3. Khoảng cách chụp
Máy ảnh càng xa đối tượng, độ sâu trường ảnh càng lớn.
4. Độ sâu
Là khoảng cách giữa các yếu tố ở tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Lấy nét sâu sẽ dễ hơn với cảnh phẳng hơn (khoảng cách giữa tiền cảnh và hậu cảnh nhỏ hơn).
Nói cách khác, cách dễ nhất để đảm bảo bạn đạt được lấy nét sâu là:
- Sử dụng ống kính góc rộng
- Cài đặt ở khẩu độ nhỏ nhất có thể (f stop cao nhất)
- Đặt máy ảnh của bạn cách xa đối tượng nhất có thể
- Lập bố cục sao cho cảnh có chiều sâu ngắn hơn.
Hãy xem xét các ví dụ về từng yếu tố.
1. Sử dụng độ dài tiêu cự ngắn hơn
Các ví dụ bên dưới được chụp từ cùng một điểm ở các độ dài tiêu cự khác nhau, nhưng có cùng f stop (f/8). Tiêu điểm được duy trì trên chú gấu trúc nhồi bông. Các tòa nhà ở hậu cảnh sắc nét trong ảnh 24mm, mờ hơn trong ảnh 47mm, và bị mờ rõ trong ảnh 105mm. Điều này cho thấy độ sâu trường ảnh lớn hơn ở độ dài tiêu cự ngắn hơn.
Tất cả ảnh: EOS R6 Mark II/ RF24-105mm f/4L IS USM ở f/8
24mm
47mm
105mm
2. Sử dụng khẩu độ hẹp hơn
Các ảnh bên dưới được chụp từ cùng vị trí, với các f stop khác nhau. Ảnh f/16 sắc nét từ những bông hoa ở tiền cảnh đến các tòa nhà ở hậu cảnh. Trong khi đó, những bông hoa bị mất nét (bị nhòe mờ) trong ảnh f/4. Sẽ dễ đạt được lấy nét sâu hơn với khẩu độ hẹp.
Khẩu độ hẹp (f/16)
EOS R6 Mark II/ RF24-105mm f/4L IS USM ở 35mm, f/16
Khẩu độ rộng hơn (f/4)
EOS R6 Mark II/ RF24-105mm f/4L IS USM ở 35mm, f/4
Thủ thuật chuyên nghiệp:
- Hãy để ý đến khoảng cách lấy nét gần nhất của ống kính
Các vật thể ở gần khoảng cách lấy nét gần nhất hơn sẽ bị mất nét bất kể f stop là gì.
- Sử dụng xem trước độ sâu trường ảnh
Theo mặc định, máy có màn hình Live View/EVF hiển thị độ sâu trường ảnh tại khẩu độ tối đa của ống kính bất kể thiết lập f stop của bạn là gì. Bật xem trước độ sâu trường ảnh để xem độ sâu trường ảnh thực tế.
Hãy nhớ: Tam giác phơi sáng
Với khẩu độ hẹp hơn, bạn cần tốc độ màn trập chậm hơn và/hoặc độ nhạy sáng ISO cao hơn để bù trừ. Thực hiện các biện pháp đề phòng chống rung máy và chú ý độ hạt trong ảnh ở độ nhạy sáng ISO cao khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu.
3. Tìm một góc máy ảnh với độ sâu ngắn hơn
Ảnh phẳng hơn có thể được lấy nét hoàn toàn ngay cả khi có độ sâu trường ảnh nông hơn. Trong cảnh bên dưới, dấu mũi tên gần với hậu cảnh, do đó chúng ta có thể lấy nét mọi thứ ở f/4 khi chụp trực diện. Tuy nhiên, chụp ảnh từ một góc chéo làm tăng thêm độ sâu—đó là lý do tại sao ảnh mặt trước và mặt sau của ảnh thứ hai bị mất nét.
Không có độ sâu (trực diện)
Có độ sâu (bố cục đường chéo)
Cả hai ảnh: EOS R6 Mark II/ RF24-105mm f/4L IS USM ở 74mm, f/4
4. Chụp xa đối tượng hơn
Các ảnh sau đây đều được chụp ở cùng khẩu độ (f/8) và độ dài tiêu cự (24mm) nhưng từ các khoảng cách chụp khác nhau. Trong cả hai, tiêu điểm được lấy ở tảng đá. Nếu bạn cho rằng các tòa nhà hậu cảnh trông rõ hơn hơn trong ví dụ thứ hai, bạn đã đúng. Sự khác biệt trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta phóng to—xem các ảnh xén bên dưới!
Chụp gần đối tượng hơn
Chụp xa đối tượng hơn
Cả hai ví dụ: EOS R6 Mark II + RF24-105mm f/4L IS USM ở 24mm, f/8
Gần đối tượng hơn (đã xén)
Xa đối tượng hơn (đã xén)
Khi chụp gần đối tượng hơn, hãy tăng f stop để duy trì độ sắc nét của hậu cảnh.
Nâng cao kỹ năng: Các khái niệm quan trọng để lấy nét sâu
1. Mặt phẳng tiêu và vùng đúng nét
EOS R50 + RF35mm f/1.4L VCM ở 35mm (tương đương 56mm) ở f/1.4
i) Mọi thứ ở bên trái và bên phải của tiêu điểm cũng sẽ đúng nét
Chúng ta đặt tiêu điểm ở bông hoa. Khi máy ảnh lấy nét trên một mặt phẳng, các phần của băng ghế bên trái và bên phải của bông hoa cũng được lấy nét.
II) Vùng phía trước và phía sau mặt phẳng tiêu cũng sẽ đúng nét
Vùng xuất hiện đúng nét (độ sâu trường) mở rộng ra phía trước và phía sau mặt phẳng tiêu. Mặc dù kích thước của độ sâu trường phụ thuộc vào 4 yếu tố mà chúng ta đã đề cập, nhưng nó thường lớn hơn phía sau mặt phẳng tiêu so với phía trước.
Hãy ghi nhớ những khái niệm này khi quyết định đặt điểm AF ở đâu!
2. Sử dụng số f rất cao sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh
Trong khi khẩu độ hẹp hơn giúp lấy nét nhiều yếu tố hơn, việc sử dụng một khẩu độ quá hẹp có thể phản tác dụng. Điều này là do một hiện tượng quang học gọi là 'nhòe nhiễu xạ', làm cho các chi tiết trông ít sắc nét hơn ("mờ hơn").
Đây là trường hợp xảy ra với ví dụ f/16 chưa chỉnh sửa bên dưới, trông mờ hơn ví dụ f/11.
Khu vực trong khung màu đỏ khi phóng to
EOS R5/ RF50mm f/1.2L USM ở ISO 100
Biện pháp khắc phục: Chỉnh nhiễu xạ bằng phần mềm
Bật Digital Lens Optimizer hay Chỉnh nhiễu xạ ở chức năng "Lens aberration correction" trên máy ảnh có thể sửa nhiễu xạ trên tập tin JPEG của bạn. Cũng có thể sửa nhiễu xạ nếu bạn phát triển tập tin RAW bằng phần mềm Digital Photo Professional (DPP) miễn phí của Canon.
3. Focus stacking
Không phải lúc nào cũng có thể lấy nét toàn bộ ảnh chỉ trong một bức ảnh. Bạn có thể cần phải sử dụng kỹ thuật focus stacking, một kỹ thuật bao gồm chụp nhiều ảnh của cùng một khung hình với khoảng cách lấy nét hơi khác nhau ("focus bracketing") và kết hợp chúng để tạo ra một tấm ảnh cuối cùng sắc nét từ trước ra sau.
Tính năng hữu ích Focus stacking & depth compositing trong máy ảnh
Nhiều máy ảnh EOS R series có chức năng chụp focus bracketing trong máy ảnh giúp tự động hóa kỹ thuật focus bracketing. Một số máy ảnh có chức năng depth compositing giúp thực hiện focus stacking cho bạn. Bạn cũng có thể thực hiện focus stacking trong phần mềm chỉnh sửa chẳng hạn như Digital Photo Professional.
Xem thêm:
Focus Stacking: Một Kỹ Thuật Chuyên Nghiệp Được Đơn Giản Hóa với Focus Bracketing
Nét sâu có thể giúp bạn có được những tấm ảnh như thế này!
EOS R8/ RF15-35mm f/2.8L IS USM/ FL: 24mm/ Aperture-priority AE (f/14, 1/125 giây)/ ISO 100/ WB: Auto
Độ dài tiêu cự ngắn và khẩu độ hẹp để đạt được lấy nét sâu
Ảnh này được lấy nét từ đám cỏ ở tiền cảnh đến những ngọn núi ở phía sau. Điều này đạt được nhờ độ dài tiêu cự ngắn và thiết lập khẩu độ hẹp.