Hành trình hướng tới các vì sao - Thủ thuật chụp ảnh thiên văn
Nhiếp ảnh thiên văn có thể khá phức tạp, nhưng đừng quá lo lắng bởi lẽ bạn có thể sử dụng nhiều thủ thuật để khiến việc khởi đầu chụp ảnh thiên văn trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ cùng khám phá các mẹo chụp ảnh từ nhiếp ảnh gia thiên văn từng giành nhiều giải thưởng Mark Gee.
EOS 5D Mark III, ống kính EF14mm f/2.8L II USM, f/2.8, 10 giây, 14 mm, ISO 3200
Light painting (vẽ tranh bằng ánh sáng):
Light painting là cách thức để một nhiếp ảnh gia có thêm ánh sáng vào phần tiền cảnh trong các bức ảnh chụp ảnh thiên văn. Tôi hiếm khi tự thực hiện kỹ thuật này, nhưng khi đã làm, tôi muốn ánh sáng chỉ xuất hiện nhẹ nhàng. Vì vậy, ánh sáng toả ra từ màn hình điện thoại của tôi thường là đủ để đưa thêm chút ánh sáng vào cảnh vật.
Bạn có thể sử dụng các công cụ khác, đơn giản như một đèn pin đeo trán. Nhưng đừng để khung cảnh phơi sáng quá lâu trong nguồn sáng đó nếu không bức ảnh sẽ bị cháy sáng. Một kỹ thuật để xử lý vấn đề này là khuếch tán ánh sáng trên đèn pin đeo trán bằng một chiếc áo phông đặt lên quanh ống kính đèn pin (nên dùng áo màu trắng hoặc màu trung tính) và bạn có thể gập mảnh vải áo quanh ống kính đèn pin vài lần để giảm cường độ ánh sáng. Hoặc để ánh sáng hắt lên một vật đằng sau máy ảnh rồi phả lại vào khung cảnh chụp hình. Đó có thể là một hòn đá, hoặc bạn có thể mang theo một mảnh xốp trắng để phản chiếu lại ánh sáng.
Bạn cũng có thể mua các loại đèn và hệ thống chiếu sáng LED khác để vẽ tranh bằng ánh sáng. Tôi khuyên bạn nên dùng đèn halogen thạch anh thay vì dùng đèn LED vì nhiệt độ màu của loại đèn này tương tự với nhiệt độ màu mà bạn sẽ thiết lập cho máy ảnh của mình trong quá trình chụp ảnh thiên văn, ở trong khoảng 3000 - 3500 Kelvin. Các bộ dụng cụ chiếu sáng LED cũng có cân bằng trắng có thể điều chỉnh, nên nếu khả năng tài chính của bạn cho phép chi nhiều tiền hơn vào hệ thống chiếu sáng thì đây có thể là một lựa chọn tốt.
EOS 6D, ống kính EF14mm f/2.8L II USM, f/2.8, 30 giây, 14 mm, ISO 6400
Với các bức ảnh toàn cảnh 360 độ:
Ảnh toàn cảnh 360o trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây nhờ việc các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook hỗ trợ định dạng này qua một trình xem tương tác. Có rất nhiều cách để chụp ảnh 360 độ, nhưng thường thì các bức ảnh này được tạo ra từ việc chụp nhiều ảnh có độ trùng nhất định, bức ảnh này chồng lên bức ảnh kia cho đến khi bạn lấy được trường xem 360 độ. Sau đó bạn ghép các bức ảnh này lại, sử dụng phần mềm Lightroom hoặc Photoshop, hoặc một phần mềm chuyên dùng để ghép ảnh toàn cảnh như AutoPano hoặc PTGui.
Cách tốt nhất để chụp ảnh toàn cảnh 360o là chụp ở chế độ chân dung để có thể bao quát cảnh vật theo phương dọc ở mức tối đa. Hãy sử dụng một giá ba chân vững chắc có đầu gắn có thể xoay quanh trục của giá ba chân hoặc một đầu gắn toàn cảnh như Nodal Ninja. Việc lắp đặt giá ba chân cân bằng trên mặt đất cũng rất quan trọng. Dù bạn có thể chụp ảnh toàn cảnh 360 độ với các ống kính góc siêu rộng và ống kính mắt cá, nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên bắt đầu với ống kính 24 mm hoặc dài hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ ít phải xử lý biến dạng ống kính và việc ghép ảnh qua phần mềm cũng dễ dàng hơn. Khi chụp ảnh, hãy bảo đảm bạn chụp các ảnh có độ trùng lặp từ 30-40% với nhau để việc ghép ảnh chính xác hơn.
Một công cụ khác có thể sử dụng khi chụp ảnh toàn cảnh 360o là đầu robot như GigaPan hoặc iOptron Ipano. Syrp Genie Mini, dù là một thiết bị vốn được thiết kế nhằm điều khiển chuyển động để chụp hình time-lapse, nhưng cũng có chế độ toàn cảnh. Đây là thiết bị rất tiện dụng vì kích thước nhỏ gọn và có thể dễ dàng mang theo trong bất kỳ túi đựng máy ảnh nào. Các giải pháp đầu chuyển động này cho phép chụp hình toàn cảnh 360 độ một cách chính xác để mang lại kết quả mỹ mãn hơn ở khâu ghép ảnh.
Về phần mềm ghép ảnh. Nếu bạn dự định chụp nhiều ảnh toàn cảnh 360 độ, đặc biệt là các bức ảnh thiên văn, thì tôi khuyên bạn nên sử dụng phần mềm ghép ảnh toàn cảnh chuyên dụng bởi phần mềm này sẽ giúp bạn kiểm soát và thực hiện công việc tốt hơn ở khâu ghép ảnh so với phần mềm Lightroom hoặc Photoshop.
Trên các ứng dụng tiện lợi:
Có một số ứng dụng miễn phí hỗ trợ việc chụp ảnh thiên văn, dù để có thể sử dụng toàn bộ tính năng của các ứng dụng này bạn vẫn sẽ phải trả phí cho các tính năng bổ trợ. Hai trong số các phần mềm miễn phí là Star Chart và Night Sky Lite. Hai phần mềm này có chức năng tương tự nhau. Bạn chỉ cần hướng điện thoại của mình lên trời đêm để xem được chính xác những gì mà bạn đang quan sát.
Nếu nói về một ứng dụng đáng để bạn “mở hầu bao” thì tôi sẽ đề xuất PhotoPills. Phần mềm đó giống như “con dao quân đội Thụy Sĩ” đa năng dành cho nhiếp ảnh thiên văn và các ứng dụng nhiếp ảnh, đồng thời sở hữu nhiều tính năng của rất nhiều phần mềm khác tích hợp trong một phần mềm duy nhất. Tại thời điểm viết bài này, PhotoPills chỉ mới được thiết kế cho hệ điều hành iOS, còn phiên bản dành cho hệ điều hành Android dự kiến ra mắt vào quý 2, 2017.
EOS 5D Mark IV, ống kính EF11-24mm f/4L USM, f/4, ISO 6400
Nói về nhiếp ảnh thiên văn nhìn chung - anh sẽ đưa ra những lời khuyên về mẹo và thủ thuật chụp ảnh nào dành cho độc giả?
Theo tôi, bạn hãy dành thời gian lên kế hoạch và bố cục cho các bức ảnh. Hãy đến tìm hiểu địa điểm vào ban ngày nếu có thể, để khi màn đêm buông xuống, bạn sẽ có nhiều thời gian lắp đặt và thử nghiệm chụp hình trước khi bầu trời đêm không còn đúng như bố cục bạn đã lên kế hoạch. Hãy sử dụng các ứng dụng thiên văn học để biết được những đặc điểm thú vị của bầu trời đêm xuất hiện ở đâu và hoạt động thế nào theo thời gian và hướng trong bố cục mà bạn đã lên kế hoạch.
Bắt buộc phải có một giá ba chân vững chắc. Khi chụp ảnh ngoài thực địa, bạn có thể cố định giá ba chân bằng một túi cát hoặc đá để tránh được việc máy ảnh bị rung.
Vì bạn sẽ thực hiện phơi sáng dài để chụp ảnh các vì sao, nên để tránh các rung lắc không mong muốn khi đóng cửa trập, bạn có thể sử dụng dây bấm mềm hoặc chế độ hẹn giờ tích hợp trong máy ảnh khi chụp ảnh. Bạn cũng có thể chụp ảnh ở chế độ khoá gương hoặc Live View để tránh việc xoay gương trong máy ảnh DSLR làm tăng thêm rung lắc.
Chụp lại mọi thứ với chế độ chụp ảnh bằng tay - bao gồm cả lấy nét bằng tay. Hầu hết những người mới thử sức với nhiếp ảnh thiên văn sẽ thấy lấy nét vào các vì sao là việc không hề đơn giản. Tôi khuyên bạn sử dụng phương pháp Live View trong đó bạn hướng máy ảnh của mình tới vì sao sáng nhất trên bầu trời và phóng đại hết mức chế độ Live View ở phía sau màn hình LCD. Xoay vòng lấy nét của bạn cho tới khi vì sao đó được cố định sắc nét, và sau đó thiết lập lấy nét.
Để đạt được kết quả mỹ mãn nhất, hãy tìm một địa điểm có bầu trời đêm tối thẫm với ít hoặc không bị ô nhiễm ánh sáng. Khi thiết lập máy ảnh tại một địa điểm có bầu trời tối thẫm, tốc độ cửa trập có thể ở trong khoảng từ 25-30 giây. Mở khẩu độ ở số khẩu độ nhỏ nhất của máy ảnh, và bắt đầu với ISO 1600. Nếu hình ảnh trông quá tối, hãy đẩy ISO lên mức cao hơn. Song, hãy thật cẩn thận bởi ISO càng cao, ảnh sẽ càng nhiều nhiễu. Một số máy ảnh sẽ tác nghiệp tốt hơn số khác - với EOS 5D Mark IV khi chụp ảnh ở địa điểm có bầu trời tối thẫm, tôi thường chụp ở tốc độ cửa trập 30 giây, ở f/2.8, ISO 3200 khi sử dụng ống kính EF14mm f/2.8 II USM.
Chụp với máy EOS 5D Mark III, ống kính EF27-70mm f/2.8L USM, f/2.8, 24 mm, 30 giây, ISO 3200
Xem video trong loạt bài tại đây:
EOS 5D Mark IV (Thân máy)
EF11-24mm f/4L USM
EF24-70mm f/2.8L II USM
Bài viết nằm trong loạt bài “Hành trình hướng tới các vì sao”. Đọc thêm các bài viết khác trong loạt bài này tại:
Hành trình hướng tới các vì sao – Justin Mott lần đầu tiên chụp ảnh thiên văn
Hành trình hướng tới các vì sao - Mark Gee đánh giá máy ảnh EOS 5D Mark IV khi chụp ảnh thiên văn
Hành trình hướng tới các vì sao – Thủ thuật chụp ảnh thiên văn
Hành trình hướng tới các vì sao - Chụp ảnh thiên văn ở Kudat
Để nhận được những cập nhật mới nhất về các tin tức nhiếp ảnh, mẹo và thủ thuật hãy đăng ký với chúng tôi!
Giới thiệu về tác giả
Mark Gee là một nhiếp ảnh gia và nhà làm phim time lapse từng đoạt giải thưởng, sinh sống tại Wellington, New Zealand. Hoàn toàn tự học, Mark mạo hiểm đến những địa điểm tối tắm và xa xôi nhất trên khắp đất nước, thích thú đối mặt với thách thức của việc kết hợp những thắng cảnh đẹp nhất New Zealand với với vẻ đẹp thanh tao của bầu trời đêm bằng những cách thức mới mẻ và sáng tạo.
Phim ngắn ‘Full Moon Silhouettes’ (Tạm dịch: Hình bóng trăng tròn) của anh đã được thế giới ca tụng khi đoạn phim lan truyền rộng rãi trên mạng, và vào năm 2013, Mark đã giành giải thưởng danh giá Nhiếp Ảnh Gia Thiên Văn của Năm. Anh không chỉ giành giải thưởng chung và còn thắng ở các hạng mục Trái đất và Không gian, hạng mục Con người và Không gian, là 2 hạng mục chưa từng có trong lịch sử cuộc thi.